Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Gặp mặt kỷ niệm 25 năm tái lập huyện Yên Khánh

Chủ nhật, 25/08/2019

Gặp mặt kỷ niệm 25 năm tái lập huyện Yên Khánh

Sáng 24/8, Huyện ủy- HĐND- UBND- Ủy ban MTTQ VN huyện Yên Khánh long trọng tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 25 năm tái lập huyện (1/9/1994- 1/9/2019).

Dự buổi gặp mặt có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cùng dự có lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; cán bộ tiền khởi nghĩa; lãnh đạo huyện Yên Khánh, các xã, thị trấn qua các thời kỳ; đại biểu chức sắc tôn giáo, các doanh nghiệp trên địa bàn và con em quê hương.  

Các đại biểu dự gặp mặt.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tặng hoa, chúc mừng huyện Yên Khánh

Yên Khánh , vùng đất được hình thành từ lâu đời trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, đất và người nơi đây đã gắn bó và hòa quyện với nhau, tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của một vùng quê được hình thành từ sự bồi lắng của biển cả.

Vùng đất Yên Khánh được hình thành và có dân cư sinh sống từ khá sớm. Phần lớn đất đai Yên Khánh ngày nay, từ xa xưa là biển cả theo thời gian đất bồi ngày càng rộng dần.

Phía trên đê Hồng Đức là vùng phù sa đê muộn, sóng biển xô vào vùng phù sa cồn lên thành các dải đất màu mỡ chắn ngang; con người đến nơi đây sinh cơ lập nghiệp khá sớm và ngày càng trở nên đông đúc.

Phía dưới đê Hồng Đức thì phải sau khi đắp đê(1471) làng xã mới được hình thành và tiến nhanh ra biển. Thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1778), Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Nhiễm theo lệnh vua đắp đê Hồng Lĩnh( Đường Quan) đi qua phần cuối các xã Khánh Hồng, Khánh Nhạc, Khánh Thủy thì đất đai Yên Khánh Vẫn còn tiến ra biển, mãi khi thành lập huyện Kim Sơn (1829) thì địa giới phía Nam huyên Yên Khánh mới dừng lại.

Huyện Yên Khánh thời trần có tên là huyện Yên Ninh, sau Trung Hưng (1593) đổi tên là huyện Yên Khang, năm Gia Long thứ 2(1803) đổi tên là huyện Yên Khánh.

Do có nhiều biến đổi về địa giới hành chính nên huyện lỵ Yên Khánh cũng nhiều lần chuyển dời. Thời kỳ đầu huyện lỵ cũng là phủ lỵ (huyện do phủ kiêm quản). Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) huyện lỵ đặt ở Thiện Trạo, sau chuyển về Phúc Am (nay là Thành Phố Ninh Bình).Năm Tự Đức thứ 25 (1882) để tránh Pháp xâm lược huyện lỵ di trú về Bình Sơn( còn gọi là Phủ mới, nay là Mai Sơn - Yên Mô). Năm Kiến Phúc ngu- yên niên (1883) lại chuyển vể Phúc Am. Từ 1906, huyện lỵ chuyển về Yên Ninh. Năm 1997, Thị trấn Yên Ninh thành lập, huyện lỵ đóng tại Thị trấn Yên Ninh.

Huyện Yên Khánh trước đây là một huyện lớn, do tri phủ đồng tri huyện kiêm quản. Lúc đầu bảo gồm cả đất thành phố Ninh Bình, một số xã Phía Nam Hoa Lư, một số xã phía Tây Bắc huyện Yên Mô. Từ khi đổi tên thành huyện Yên Khánh(1803) các đơn vị hành chính còn nhiều thay đổi.

          - Đầu thế kỷ 19, Yên Khánh có 10 tổng, 59 xã thôn, phường, trang trại.

          - Năm 1840, chia tổng Liên Hải thành 2 tổng Bồng Hải và Duyên Mậu, Yên Khánh có 11 tổng, 68 xã, thôn, phường.

          - Năm 1906 khi chia cắt 4 tổng phía Bắc huyện Yên Khánh và 4 tổng phía Nam huyện Gia Viễn để lập huyện Gia Khánh, huyện yên Khánh còn 8 tổng, 51 xã,thôn, làng.

           - Năm 1947 huyện Yên Khánh có 20 xã, 51 làng

          - Năm 1949, huyện Yên Khánh có 7 xã, 51 làng

          - Năm 1956, huyện Yên Khánh có 21 xã.

          - Năm 1961, cắt 3 xã Khánh Dương, Khánh Thịnh, Khánh Thượng (Yên Khánh) về huyện Yên Mô, cắt xã Yên Lạc (Yên Mô) về huyện Yên Khánh,huyện Yên Khánh có 19 xã.

Ngày 27/4/1977, 10 xã phía Bắc huyện yên Khánh hợp nhất với huyện Yên Mô thành huyện Tam Điệp; 09 xã phía Nam huyện Yên Khánh sáp nhập vào huyện Kim Sơn theo quyết định số 125/CP của Hội đồng Chính Phủ.

Ngày 4/7/1994 huyện Yên Khánh được tái lập theo Nghị định 59/CP của Chính phủ, huyện có 19 xã.

Năm 1997, Thị trấn Yên Ninh được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Khánh Ninh, lúc này Yên Khánh có 19 xã, 01 Thị trấn.

Năm 2008, xã Khánh Ninh được hợp nhất vào Thị trấn Yên Ninh. Hiện nay Yên Khánh có 18 xã, 01 Thị trấn.

Nằm ở phía Đông Nam tỉnh Ninh Bình, hình dáng giống con chim Bằng đang tung cánh bay lên,biểu tượng cho ý chí và nghị lực phi thường của các thế hệ con người nơi đây, trải qua bao gian nan thử thách, tình đất, tình người vẫn thủy chung, gắn bó, kiên cường vững bước đi lên, cùng với dân tộc, đất nước viết nên những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Phía Bắc và phía Đông Nam giáp hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định, phía Nam giáp huyện Kim Sơn, phía Tây giáp huyện Yên Mô, phía Tây Bắc giáp Thành phố Ninh Bình.

Chiều dài của huyện yên Khánh là từ xã Khánh Hòa ( Phía Tây Bắc huyện) đến xã Khánh Thành ( phía Nam huyện) khoảng 26 km. Chiều rộng từ xã Khánh Tiên (phía Đông) đến xã Khánh Hồng (phía Tây) theo đường chim bay khoảng 15km.

Diện tích tự nhiên 137,8 km2, dân số( năm 2018) 140.183 người. Cư dân địa phương chủ yếu là người Việt, chỉ có 30 hộ, 125 nhân khẩu dân tộc khác nhưng đã hòa nhập cả về phong tục tập quán và tín ngưỡng với cư dân trong vùng.

Yên Khánh có bề dày văn hiến, là đất anh hùng. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; đất và người nơi đây vẫn một lòng thủy chung, kiên cường, cùng cả nước xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, mặc dù xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, thương mại, dịch vụ nhỏ bé, cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Khánh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của huyện, tạo sức bật mạnh mẽ và thu được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Kinh tế luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao và ổn định, bình quân 13,5%/năm; tổng giá trị sản xuất năm 2018 đạt trên 12.600 tỷ đồng, tăng hơn 50 lần so với năm 1994; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp giảm xuống còn 13,1%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 đạt 410 tỷ đồng, gấp 60 lần so với năm 1994. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 41,1 triệu, cao hơn bình quân chung của tỉnh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, xây mới, hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu của người dân và sự phát triển của xã hội. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ thể, sự chung sức đồng lòng của nhân dân, sự ủng hộ của con em quê hương, tạo sự đổi thay rõ nét cho diện mạo nông thôn. Năm 2018, huyện Yên Khánh được công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt kết quả khá toàn diện, an sinh xã hội được đảm bảo. Sự nghiệp giáo dục- đào tạo được quan tâm, tăng cường đầu tư, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh. Công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,2% năm 1994 xuống còn 2,7% năm 2018 theo tiêu chí mới.

Quốc phòng- địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng luôn được coi trọng; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn, vững mạnh về mọi mặt; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ được nâng lên.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh chúc mừng, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những kết quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Khánh đạt được trong chặng đường 25 năm qua. 

Đồng chí nhấn mạnh: Với tiềm năng thế mạnh và triển vọng phát triển của huyện, trong thờigian tới, huyện Yên Khánh cần tiếp tục viết tiếp trang sử vẻ vang, tập trung khắc phục những khó khăn, hạn chế, xây dựng huyện Yên Khánh thực sự vững mạnh toàn diện. Trong đó, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp- dịch vụ; đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch; phát triển mạnh hệ thống thương mại, dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp và đô thị Ninh Bình.

Là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện cần đẩy mạnh đổi mới cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề dịch vụ ở nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới. Đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, coi trọng phát triển ngành nghề truyền thống, các loại hình dịch vụ nông thôn.

Cùng với phát triển kinh tế, huyện Yên Khánh cần đặc biệt quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa- xã hội; phát huy truyền thống hiếu học, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, chăm lo sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, các hoạt động văn hóa, thể thao. Làm tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý vấn đề có ý nghĩa then chốt và quyết định là tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của huyện thật sự trong sạch, vững mạnh, gần dân, sâu sát dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.

Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII).

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; phát huy dân chủ, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của huyện. 

Biểu diễn văn nghệ tại buổi gặp mặt.

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
478237

Online 10

Hôm nay 254

Hôm qua 0