Cẩm nang "Chuyển đổi số" do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, định nghĩa công dân số là người dân được trang bị năng lực số để sống giữa môi trường được số hóa toàn diện. Tại Ninh Bình, với việc chú trọng từng bước nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân đã góp phần hình thành và phát triển những công dân số tích cực hòa nhập và tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số tại nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố Ninh Bình hướng dẫn người dân lấy số tự động thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Phan Hiếu
Hình thành nên những công dân số Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với mục tiêu xây dựng "bệnh viện thông minh", chú trọng đến "3 không": Không xếp hàng, không giấy tờ, không dùng tiền mặt. Bệnh viện đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT, tự động hóa với hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện: ứng dụng CNTT trong cải cách TTHC nhằm rút ngắn quy trình khám chữa bệnh với các tiện ích như: rút số qua cây thông minh, gọi số tự động; tiếp đón bằng thẻ khám chữa bệnh thông minh, bằng thẻ Căn cước có gắn chíp, thanh toán không dùng tiền mặt… Việc ứng dụng công nghệ số tại Bệnh viện đã trở thành công cụ hữu ích góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giúp quy trình khám chữa bệnh của người dân được thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng, đồng bộ.
Không còn cảnh mỗi lần đi khám bệnh định kỳ phải lục tìm thẻ BHYT rồi tìm thẻ Căn cước, chị Đinh Thị Hằng (phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình) cho biết: Giờ mọi thông tin tích hợp trong tài khoản VNeID cài đặt trên điện thoại đã giúp cho mọi thông tin cá nhân của tôi được tích hợp trên nền tảng kỹ thuật số nên khi đi khám chữa bệnh hay thực hiện các dịch vụ khác như: đăng ký tạm trú, tạm vắng, đăng ký giấy phép lái xe, khai báo y tế, cấp thẻ căn cước… sẽ không cần phải mang nhiều loại giấy tờ. Với người bị bệnh cao huyết áp như tôi phải đi khám định kỳ hàng tháng thì việc khám bệnh cũng trở nên nhẹ nhàng hơn vì không phải lo chuẩn bị giấy tờ như trước.
Phấn khởi vì thực hiện thành công dịch vụ xin cấp lại giấy phép lái xe ô tô B2 do giấy phép cũ đã hết hạn, sau khi tìm hiểu thông tin, cách thức thực hiện trên mạng, anh Trần Việt Hoàng (Yên Khánh) đã quyết định tự thực hiện thủ tục tại nhà với sự hỗ trợ duy nhất là chiếc máy tính có kết nối Internet.
Anh Việt Hoàng cho biết: Có lẽ chỉ duy nhất thủ tục khám sức khỏe là người dân phải đến Trung tâm Y tế huyện để thực hiện và được cấp Giấy chứng nhận sức khỏe. Khi đã có giấy chứng nhận với mã chứng thực điện tử, tôi đã thao tác từng bước trên máy tính để cập nhật các dữ liệu, thông tin theo quy định. Rất nhanh tôi đã nhận được email trả lời, nhận được hồ sơ và hướng dẫn nộp lệ phí từ Cổng dịch vụ công Quốc gia và sau thời gian quy định 5 ngày tôi đã nhận được giấy phép lái xe mới từ Bưu điện gửi về. Thực sự là với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, không phải lo đi lại, chờ đợi, ảnh hưởng đến công việc khác của bản thân…
Với các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú của các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về 5 tiện ích Đề án 06; 25 dịch vụ công thiết yếu; 5 bước nộp hồ sơ trực tuyến; 2 nhóm dịch vụ công liên thông... góp phần giúp người dân, doanh nghiệp có những trải nghiệm, hình dung về Đề án 06 cũng như quy trình trong nộp hồ sơ trực tuyến. Đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng để tập trung hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công và thực hiện TTHC trên môi trường mạng.
Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 808.810 tài khoản định danh điện tử, Bộ Công an phê duyệt 679.296 tài khoản, kích hoạt 633.435 tài khoản. Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước tham gia cài đặt và sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử... và phục vụ công việc và cuộc sống.
Hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản VNeID cài đặt trên điện thoại để thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Nọc linh
Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp, người dân thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội ngày một tăng; tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe người dân, từng bước thay thế y bạ giấy đạt 90%; tỷ trọng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 30%; 100% các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Toàn tỉnh có 320/320 cơ sở giáo dục công lập thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt (trừ các trường tiểu học), đạt tỷ lệ 100%; có 462/465 cơ sở giáo dục công lập thực hiện thanh toán các khoản dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt, đạt 99,4%...
Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử Là đơn vị có số lượng dịch vụ công thiết yếu nhiều, có tới 11/25 dịch vụ thực hiện trên môi trường điện tử với các dịch vụ liên quan mật thiết đến đời sống người dân như: Cấp lại, đổi thẻ căn cước; đăng ký thường trú, tạm trú, thông báo lưu trú; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội)…
Nếu như trước kia, với số lượng thủ tục nhiều, lượng công dân phải đến các bộ phận liên quan của Công an tỉnh rất đông, thời gian chờ đợi cũng sẽ kéo dài bởi nhu cầu nhiều, diễn ra hàng ngày. Nhưng hiện nay, khi dịch vụ công trực tuyến được triển khai rộng khắp, nhiều người dân đã nhanh chóng nắm bắt thông tin, cách thức thực hiện dịch vụ trên môi trường điện tử để thực hiện các thủ tục tại nhà.
Tính riêng 8 tháng năm 2024, 11 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh đã giải quyết 13.088 hồ sơ trực tuyến. Do đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử là hết sức quan trọng.
Thiếu tá Vũ Tuấn Minh, cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Lĩnh vực cấp lại, đổi thẻ Căn cước luôn là lĩnh vực có số lượng hồ sơ nhiều. Để phục vụ nhu cầu của người dân, nhất là việc cấp thẻ Căn cước cho trẻ em từ dưới 14 tuổi, cán bộ tại bộ phận đã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách tra cứu, làm thủ tục trực tuyến cho trẻ ở lứa tuổi từ 0- dưới 6 tuổi tại nhà mà không phải đến bất kỳ cơ quan nào.
Đặc biệt, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền để chuyển từ hình thức làm thay, làm hộ người dân, doanh nghiệp sang hướng dẫn để người dân tự làm trong quá trình giải quyết TTHC.
Đồng chí Đinh Thị Minh Châu, cán bộ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Trước thực trạng người dân đến làm TTHC theo hình thức nộp hồ sơ thủ công vẫn còn nhiều, sẽ mất nhiều thời gian chờ đợi cũng như thời gian giải quyết TTHC của công chức. Do đó, mỗi công chức thực hiện nhiệm vụ tại Bộ phận vừa giải quyết vừa tập trung hướng dẫn người dân thiết lập tài khoản VNeID, cách thức nhập hồ sơ trực tuyến trên hệ thống, theo dõi kết quả giải quyết, trả hồ sơ trực tuyến qua Bưu điện…
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện giải quyết TTHC theo hướng khuyến khích các cá nhân, tổ chức gửi hồ sơ trực tuyến, tạo kho lưu giữ hồ sơ giấy tờ của cá nhân theo phương thức số hóa và hồ sơ điện tử. Đến nay, 100% Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp đã triển khai số hóa theo quy định, đặc biệt là số hóa các hồ sơ phát sinh từ 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 75,31%. Nhờ đó, giảm chi phí đi lại, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, mang lại sự hài lòng cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Online 166
Hôm nay 1046
Hôm qua 0