LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HUYỆN YÊN KHÁNH
Qua các tài liệu lịch sử - Danh xưng Yên Khánh chính thức có từ năm 1803 (năm Quý Hợi Gia Long thứ hai). Trước khi có danh xưng Yên Khánh, nơi đây trên các đồi đất chắn ngang bờ biển theo hướng đông - tây có cư dân sinh sống từ những năm 865 - 875.
Vùng đất Yên Khánh thời Hồng Bàng nằm trong Giao Chỉ sau thuộc phủ Trường Yên. Từ thời Trần (1225 -1400) có tên gọi là huyện Yên Ninh. Đời Lê Quang Thuận gọi là huyện Yên Ninh, đặt tại phủ Trường Yên. Đời Mạc giữ như cũ. Đầu đời Lê Trung Hưng kiêng huý Trang Tông Lê Ninh (1533- 48), đổi là huyện Yên Khang. Năm đầu đời Gia Long (1802) kiêng chữ Khang đổi làm Yên Khương. “Đến năm Quý Hợi, Gia Long năm thứ 2; ngày Giáp Thìn, tháng Ba, tiết thanh minh, vua thân đến Thái Miếu làm lễ; xuống chiếu bố cáo đổi dinh Bình Khang làm dinh Bình Hòa, phủ Bình Khang làm phủ Bình Hòa, huyện Yên Khang ở Thanh Hoa ngoại làm huyện Yên Khánh” thuộc phủ Trường Yên.
Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi phủ Trường Yên thành phủ Yên Khánh. Huyện Yên Khánh do tri phủ đồng tri huyện kiêm quản. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) huyện Yên Khánh thuộc đạo Ninh Bình, đổi tên thành trấn Ninh Bình, rồi tỉnh Ninh Bình (1831).
Như vậy, địa danh huyện Yên Khánh hay Danh xưng Yên Khánh chính thức có từ ngày 10.3 Âm lịch năm Quý Hợi (tức ngày 30/4/1803).
Từ đời Trần về trước, huyện Yên Khánh có 72 xã, thôn, trang, phường, vạn (trong đó có 2 phường thuỷ cơ).
Từ khi đổi tên thành huyện Yên Khánh (1803) các đơn vị hành chính còn nhiều thay đổi: Đầu thế kỷ 19, Yên Khánh có 10 tổng (51 xã thôn, làng…); năm 1887, có 11 tổng (78 làng). Năm 1906, 4 tổng phía bắc huyện Yên Khánh gồm: tổng Yên Phong 11 làng, xã; tổng Vũ Lâm 4 làng, xã; tổng Dương Vũ 13 làng, xã; tổng Thiện Trạo 6 làng, xã sáp nhập với 4 tổng phía nam huyện Gia Viễn, thành huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư). Đồng thời, tổng Yên Vân 4 làng, xã thuộc huyện Yên Mô sáp nhập vào huyện Yên Khánh. Năm 1961, 3 xã Khánh Thịnh, Khánh Dương, Khánh Thượng sáp nhập vào huyện Yên Mô; xã Yên Lạc (Khánh Hồng) và 2 thôn Khang Giang, Phúc Giang (tổng Nộn Khê cũ, huyện Yên Mô) sáp nhập vào xã Khánh Ninh huyện Yên Khánh.
Sau khi thống nhất đất nước, thực hiện Quyết định số 125/CP ngày 27/4/1977 của Hội đồng Chính phủ, 9 xã phía tây bắc huyện Yên Khánh sáp nhập với huyện Yên Mô thành lập huyện Tam Điệp, 9 xã phía đông nam sáp nhập vào huyện Kim Sơn.
Thực hiện Nghị định số 59/CP của Hội đồng Chính phủ ngày 04/7/1994 huyện Yên Khánh được tái lập, gồm 18 xã.
Thực hiện Nghị định số 69/CP, ngày 2/11/1996 của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân huyện tiến hành thành lập thị trấn Yên Ninh, gồm một phần đất của xã Khánh Ninh, một phần đất và dân cư xã Khánh Vân, Khánh Nhạc, một phần đất dân cư xã Khánh Hải. Năm 2008, xã Khánh Ninh được hợp vào Thị trấn Yên Ninh.
Hiện nay, huyện Yên Khánh có 18 xã và 1 thị trấn Yên Ninh. Diện tích tự nhiên toàn huyện là 14.259,81 ha, dân số 144.328 người.
Online 42
Hôm nay 421
Hôm qua 0