Hợp tác quốc tế không chỉ là một giải pháp cần thiết mà còn là một yêu cầu cấp bách để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của ma túy. Với các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, Việt Nam dành ưu tiên cao triển khai các giải pháp ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát.
Hội nghị Quốc tế về phòng, chống ma túy thế giới lần thứ 38 - Ảnh: VGP/Phong Lê
Thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), ngày 24/9 (giờ địa phương), Hội nghị Quốc tế về phòng, chống ma túy thế giới lần thứ 38 (IDEC) đã diễn ra tại Athens (Hy Lạp), với sự tham gia của 1.200 đại biểu từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) dẫn đầu.
Hội nghị là một diễn đàn hợp tác đa phương toàn cầu do Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ (DEA) khởi xướng nhằm đấu tranh tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đặc biệt tội phạm ma túy.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Anne Milgram, Giám đốc DEA đã thông tin về tình hình ma túy toàn cầu cũng như định hướng một số hoạt động hợp tác trong thời gian tới.
Theo bà Anne Milgram, thế giới và nhiều quốc gia đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp và khó dự đoán của tình hình ma túy.
Tội phạm ma túy có liên quan chặt chẽ đến các tội phạm khác như: Tài trợ khủng bố, tham nhũng, rửa tiền... là một vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, đang trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với thượng tôn pháp luật và sự phát triển bền vững, không chỉ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định xã hội và an ninh quốc gia. Đây là một vấn đề mang tính chất quốc tế, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ toàn cầu.
Theo số liệu của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), số người sử dụng ma túy đã tăng từ 240 triệu người vào năm 2011 lên 296 triệu người vào năm 2023, chiếm khoảng 5,8% dân số toàn cầu trong độ tuổi từ 15 đến 64. Mức tăng trung bình này cho thấy một xu hướng đáng báo động trong việc sử dụng ma túy.
Trong khi đó, công tác điều trị cho người nghiện và người sử dụng ma túy vẫn chưa đáp ứng kịp thời tình hình thực tế, đặc biệt là trong việc điều trị cho người sử dụng ma túy tổng hợp.
Giám đốc DEA đặc biệt nhấn mạnh sự nguy hiểm của fentanyl, một loại ma túy cực độc, gây ra hơn 100.000 cái chết ở Hoa Kỳ hàng năm; đồng thời cảnh báo rằng fentanyl đang có nguy cơ trở thành mối quan ngại toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác và ứng phó khẩn cấp từ các quốc gia trên thế giới để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ loại ma túy đặc biệt nguy hiểm này.
Bà Anne Milgram khẳng định tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế, một quốc gia đơn lẻ không thể tự giải quyết tình hình phức tạp này. Các quốc gia cần xây dựng phương pháp tiếp cận toàn diện trong giải quyết vấn đề ma túy thông qua tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Hợp tác quốc tế không chỉ là một giải pháp cần thiết mà còn là một yêu cầu cấp bách để đối phó với mối đe dọa toàn cầu. Thông qua chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các biện pháp thực thi pháp luật, các quốc gia có thể cùng nhau tạo ra một môi trường an toàn hơn cho người dân, đồng thời xây dựng một tương lai bền vững cho xã hội.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Phong Lê
Là đại biểu danh dự được mời phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nhấn mạnh, Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao vai trò quan trọng của Hoa Kỳ trong việc dẫn dắt phòng chống ma túy toàn cầu, đặc biệt là qua sáng kiến tổ chức Hội nghị IDEC.
Đây là một cơ chế không chỉ tạo ra một nền tảng vững chắc cho các quốc gia hợp tác chặt chẽ hơn trong việc ngăn chặn ma túy, mà còn nâng cao khả năng chia sẻ thông tin và phối hợp hành động giữa các quốc gia. Điều này có thể giúp giảm thiểu tác động của ma túy đối với an ninh quốc gia và sức khỏe cộng đồng.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện cho biết, trong công tác phòng, chống ma túy, Việt Nam đã triển khai lồng ghép nội dung các kế hoạch và sáng kiến hợp tác chung của các cơ chế hợp tác song phương, đa phương vào chương trình quốc gia phòng, chống ma tuý. Trong đó, dành ưu tiên cao triển khai các giải pháp ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát.
Cùng với tăng cường thực thi pháp luật, Việt Nam đang đổi mới triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, nâng cao chất lượng công tác cai nghiện, công tác xác định tình trạng nghiện và quản lý sau cai nghiện; quản lý chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, kịp thời bổ sung các chất ma túy và tiền chất theo khuyến cáo của Liên Hợp Quốc và tình hình thực tiễn trong nước, khu vực.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện chào xã giao Giám đốc DEA - Ảnh: VGP/Phong Lê
Việt Nam ủng hộ quan điểm không khoan nhượng với ma túy và tiếp tục theo đuổi mục tiêu lâu dài hướng tới một khu vực không ma túy, cân bằng giữa giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại thông qua các biện pháp thực thi pháp luật và các giải pháp kinh tế - xã hội nhằm loại bỏ các nguyên nhân sâu xa dẫn đến tệ nạn ma túy, đồng thời chú trọng hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy trên nguyên tắc 3 Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy.
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực, với các nước đối tác khác trên thế giới để giải quyết vấn đề ma túy; luôn ủng hộ và tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác của khu vực cũng như các cơ chế hợp tác với các nước đối tác, các tổ chức quốc tế.
* Bên lề Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Viện đã gặp gỡ một số đối tác phòng, chống ma túy trong khu vực như: Các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mông Cổ..
Hội nghị sẽ tiến hành thảo luận nhóm theo khu vực và kết thúc vào ngày 26/9.
Theo baochinhphu.vn
Online 164
Hôm nay 977
Hôm qua 0