Sáng 9/6/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Khánh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Dự hội nghị có đồng chí Đỗ Việt Anh, UVBTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch MTTQ VN tỉnh; đồng chí Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo; các đồng chí đại diện các phòng của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở Giáo dục & Đào tạo; đồng chí Hoàng Văn Thắng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện - chủ trì hội nghị; đồng chí Phạm Ngọc Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hàng Đảng bộ, Bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện uỷ; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện; Thường trực Đảng uỷ các xã, thị trấn; hiệu trưởng các trường trên địa bàn huyện, các cá nhân được khen thưởng.
Các đại biểu dự hội nghị
Trong những năm qua, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; ban hành các văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng. Hằng năm, đưa nội dung công tác đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vào chương trình, kế hoạch từng quý và hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo. Chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan, đơn vị, TCCSĐ xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả.
Trong 10 năm qua, các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển giáo dục và đào tạo được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Công tác xây dựng Đảng trong trường học được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, tỷ lệ đảng viên của 3 bậc học MN, TH, THCS đạt 74,52%; THPT đạt 69,96%. Trong 10 năm các trường THPT đã cử học lớp đối tượng đảng cho 1665 học sinh, kết nạp được 343 học sinh tại trường; số còn lại chuyển về đảng uỷ cơ sở và các Trường Đại học tiếp tục theo dõi kết nạp. Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục được chú trọng; năm 2022, huyện Yên Khánh tiếp tục đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; chuẩn vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 100% các trường đều đạt “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Tăng cường đổi mới chương trình, nội dung dạy học ở các cấp học. Đối với cấp học mầm non, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non hiện hành ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non; duy trì và nâng cao chất lượng chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đối với giáo dục phổ thông, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của huyện ngày càng nâng cao; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt rất cao; chất lượng thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh luôn là đơn vị thuộc tốp đầu của tỉnh.
Việc đổi mới giáo dục nghề nghiệp ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực phù hợp với độ tuổi, đối tượng lao động và đạt kết quả rõ nét, hằng năm đã đào tạo dạy nghề trồng nấm, chế biến cói, thêu ren xuất khẩu, làm hàng tiểu thủ công mỹ nghệ, chế biến nông, lâm sản, thủy sản, nghề may công nghiệp, nghề cơ khí, xây dựng cho 500 lao động, tạo việc làm mới cho hơn 4000 lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng 1 người/tháng.
Việc đổi mới công tác kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập được triển khai thực hiện tốt. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm thực hiện. Toàn huyện có 61/61 trường đạt chuẩn quốc gia: 19 trường THCS, 22 trường tiểu học, 20 trường mầm non, trong đó có 48 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (13 trường THCS, 20 trường tiểu học, 15 trường mầm non); 2/3 trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Huyện ủy chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát các cấp, các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Toàn huyện có 36.261 “Gia đình học tập”, 862 “GĐHTKM”, chiếm 20,4%. Số dòng họ đạt “Dòng họ học tập” 243, tỷ lệ 73,9%, trong đó đạt danh hiệu “DHHTKM” 60, tỷ lệ 18,2%. Số cộng đồng (thôn, xóm, phố) đạt danh hiệu :Cộng đồng học tập”: 246, tỷ lệ 91,8%, trong đó đạt danh hiệu “CĐHTKM”: 92, tỷ lệ 34,3%. Số đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”: 104, tỷ lệ 100%, trong đó đơn vị đạt danh hiệu “ĐVHTKM” là 54, tỷ lệ 51,9%.
Các cơ sở giáo dục đã xây dựng và triển khai nghiêm túc Quy chế dân chủ trong nhà trường, thực hiện tốt 3 công khai trong giáo dục. Công tác quản lý không ngừng được đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động của các cơ sở giáo dục. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức gắn với quy hoạch của từng đơn vị được quan tâm. Công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích cống hiến, đóng góp cho ngành giáo dục được chú trọng. Đã xét tặng kỷ niệm chương sự nghiệp giáo dục và đào tạo và đề xuất cho 7 nhà giáo nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Tổng quỹ khuyến học của các cấp Hội trong huyện có 15.758.034.000 đồng; số dư đến năm 2022: 12.742.595.000 đồng. Công tác khuyến học, khuyến tài được phát triển rộng khắp từ huyện đến các gia đình, dòng họ.
Công tác nghiên cứu khoa học được thực hiện khá tốt, nhiều đề tài sáng kiến cải tiến quản lý trường học, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập được áp dụng có giá trị thực tiễn. Từ năm 2013 đến nay đã có hàng nghìn sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp huyện được công nhận và đưa vào ứng dụng. Hằng năm, tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật được đông đảo học sinh tham gia và đạt kết quả tốt.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả và được nhân rộng và phát triển ở tất cả các trường phổ thông như: Mô hình xây dựng điểm về dạy học “Tiếng anh”; Mô hình xây dựng điểm mô hình “Trường học Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Hạnh phúc”; Mô hình xây dựng điểm về dạy học “phát triển năng khiếu học sinh”...
Tại hội nghị có 6 ý kiến phát biểu tham luận, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Các ý kiến của các ngành, địa phương, đơn vị đã thể hiện sự quan tâm, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác giáo dục và sự nghiệp giáo dục của huyện nhà.
Cũng tại Hội nghị, có 18 tập thể, 28 cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW đã được biểu dương, khen thưởng.
Kết luận Hội nghị đồng chí Bí thư Huyện uỷ - Hoàng Văn Thắng đã khẳng định những thành tựu của huyện đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 –NQ/TW. Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2013 huyện mới có 48/65 trường đạt chuẩn quốc gia. Sau 10 năm thực hiện, hiện nay đã có 63/64 trường đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt Trường THCS Khánh Nhạc là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đầu tiên của tỉnh; Trường THCS thị trấn Yên Ninh là trường đầu tiên của tỉnh xây dựng theo mô hình trường chất lượng cao. Bên cạnh đó, Yên Khánh là một trong ba đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ cao nhất. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đồng thời đồng chí cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập, như: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều giữa các nhà trường; Cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học còn chưa đồng bộ; một số trường hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu; Công tác truyền thông về giáo dục còn hạn chế, chưa tạo được đồng thuận cao trong xã hội khi bắt đầu triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới của ngành.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW, đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần triển khai thực hiện một số nội dung chủ yếu sau: Tăng cường sự lãnh đạo, tuyên truyền của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị và các trường học, phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhân cách đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp học, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong các nhà trường; Quy hoạch mạng lưới trường lớp theo lộ trình của tỉnh đề ra do chủ trương sáp nhập các xã không đủ tiêu chí, xây dựng cơ sở vật chất, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trên địa bàn huyện; quan tâm thực hiện hiệu quả việc thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị và của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên và của toàn xã hội. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện nhà sẽ tiếp tục phát triển, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trang TTĐT huyện
Online 137
Hôm nay 790
Hôm qua 0