Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Khánh Cư: Tự hào nơi Bác về thăm

Thứ ba, 19/05/2020
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Khánh Cư: Tự hào nơi Bác về thăm

Vào những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi tìm về xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, địa phương vinh dự được đón Bác về thăm, kiểm tra công tác chống hạn, chăm sóc lúa chiêm xuân năm 1959. Khắc ghi lời Bác dạy, 61 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khánh Cư luôn chung sức đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Diện mạo nông thôn mới xã Khánh Cư (Yên Khánh). Ảnh: Hồng Nhung
Diện mạo nông thôn mới xã Khánh Cư (Yên Khánh). Ảnh: Hồng Nhung

 

Những ký ức không quên

Dù đã ngoài 90 tuổi và câu chuyện được đón Bác đã diễn ra hơn 60 năm trước nhưng với bà Phạm Thị Hạnh ở thôn Yên Cư 4, kỷ niệm đó như mới từ hôm qua. Hình ảnh giản dị, từng lời nói, hành động, cử chỉ ân cần của Bác đều in sâu trong tâm trí của bà.

“Sáng hôm ấy, nghe tin Bác về, người dân khắp các vùng trong huyện đổ về Khánh Cư như trảy hội. Khi ấy tôi chưa đầy 20 tuổi, ban đầu tôi cùng nhiều người khác đứng ở rất xa, sau tôi liều chạy tắt qua cánh đồng nơi Bác đang chuẩn bị đi tới. May mắn sao Bác đi đường ấy, tôi được đứng gần Bác, nghe Bác chỉ đạo công tác chống hạn, đào kênh mương lấy nước…”. Bà Hạnh còn đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “Bác về chống hạn” do bà viết sau lần được gặp Bác tại cánh đồng Chằm năm xưa…

Theo lời kể của các bậc cao niên trong xã, năm 1959, vụ chiêm xuân bị hạn hán nặng làm cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, với sự phát động của các HTX, đông đảo nông dân trong xã đã đẩy mạnh công tác chống hạn: đào ao, giếng, đào ngòi, nạo vét kênh mương, lấy nước cứu lúa đang bị hạn và lấy nước cày cấy.

Hàng ngày, trên các cánh đồng đều có hàng nghìn người tham gia lao động sản xuất và làm thuỷ lợi. Cánh đồng Chằm trong những năm kháng chiến, đâu đâu cũng như ngày hội của bà con tăng gia sản xuất. Chính tại nơi này, vào ngày 15/3/1959 đã ghi dấu chân Bác Hồ về thăm và động viên phong trào chống hạn, phục vụ sản xuất chiêm xuân.

Khi ấy, Người đã xắn quần, lội ruộng, ân cần thăm hỏi, động viên, khích lệ bà con nông dân hăng hái làm thuỷ lợi, chống hạn cứu lúa. Người căn dặn đồng bào hãy “cố gắng làm thủy lợi để lấy nước cứu hàng vạn mẫu lúa và cày hết số diện tích còn lại”. Trước khi tạm biệt, Bác còn trao cho lãnh đạo xã Khánh Cư 5 chiếc huy hiệu để thưởng cho những cá nhân có thành tích chống hạn xuất sắc.

Lắng nghe câu chuyện của bà Hạnh và những người dân nơi đây, chúng tôi càng hiểu thêm tình cảm kính yêu sâu sắc của họ dành cho vị lãnh tụ của dân tộc. Mỗi lời căn dặn của Người đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của các thế hệ cán bộ, nhân dân xã Khánh Cư từ đó đến nay.

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng

Hơn 60 năm đã trôi qua, Đảng bộ và nhân dân xã Khánh Cư vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác và thực hiện bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả; phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân. Từ một vùng quê nghèo khó, Khánh Cư hôm nay đang vươn lên từ chính những tiềm năng, thế mạnh của mình.

Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất, phát triển các mô hình sản xuất trang trại, gia trại tổng hợp, đa dạng hóa cây trồng, con nuôi nhằm nâng cao giá trị trên 1ha đất canh tác. Diện tích gieo trồng bình quân hàng năm đạt trên 300 ha/vụ, diện tích gieo trồng các giống lúa chất lượng cao ngày một tăng cả về giá trị và sản lượng.

Năm 2019, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 135 triệu đồng/ha, vượt 5 triệu đồng so với mục tiêu đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Cùng với nông nghiệp, xã luôn quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn như: thêu ren, đan bẹ chuối trên khung sắt tạo việc làm cho nhân dân trong lúc nông nhàn.

Tận dụng lợi thế phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống của người dân. Hiện toàn xã có hơn 600 hộ có cửa hàng kinh doanh các loại dịch vụ, 31 hộ sản xuất cơ khí, 15 hộ sản xuất đồ mộc dân dụng, 4 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng… tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Từ những kết quả trên đã đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đến năm 2019 đạt 46 triệu đồng/người/năm.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng bộ xã Khánh Cư đã không ngừng phát huy vai trò lãnh đạo, sáng tạo trong việc triển khai các chủ trương, nghị quyết nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng đảng bộ vững mạnh.

Để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Đảng bộ xã đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi nội đồng, trường học; chỉ đạo các xóm tu sửa, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ nhà văn hóa xóm.

Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng phong trào văn hóa ở cơ sở, chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, nhất là giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội nhằm bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống cho người dân. Năm 2019, toàn xã có 91,5% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 10/11 thôn đạt khu dân cư văn hóa nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,97% theo tiêu chí mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Nghị, Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Cư cho biết: các thế hệ lãnh đạo, người dân nơi đây luôn tự hào với truyền thống quê hương được Bác Hồ về thăm và luôn ý thức cao trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khánh Cư thể hiện tấm lòng kính yêu Bác; ra sức học tập, lao động, công tác, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh; quyết tâm đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và ngày càng lan tỏa trong đời sống xã hội.

Về Khánh Cư hôm nay, có thể nhận rõ sự đổi thay của vùng quê này với hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang, nhiều công trình phục vụ đời sống xã hội được xây dựng. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, giờ đây Khánh Cư đang phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.

Nguồn: Thùy Phương baoninhbinh.org.vn

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
978306

Online 44

Hôm nay 684

Hôm qua 0