Cách đây 3 năm, Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình đã thuê lại 30 ha đất để phát triển cây trồng hàng hóa. Người nông dân cho Công ty thuê ruộng trong thời hạn từ 5 năm đến 10 năm với mức cho thuê là 110kg thóc/sào/năm. Công ty cũng ưu tiên chọn chính những lao động có đất cho thuê hoặc lao động của xã Khánh Hải để làm việc lâu dài nếu có nhu cầu với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Bà Bùi Thị Liên, xã Khánh Hải cho biết: Tôi đã trồng dưa VietGap cho Công ty gần 3 năm nay với thu nhập từ 150-200 nghìn đồng/ngày, cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với cấy lúa. Bên cạnh đó, những người nông dân làm thuê cho Công ty được tiếp cận, làm quen với công nghệ, tiến bộ khoa học, từ đó bà con ý thức được việc sản xuất ra sản phẩm an toàn vừa đảm bảo sức khỏe cho người trồng và khách hàng tiêu dùng.
Bắt đầu từ vụ xuân năm nay, một số hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn bắt tay vào trồng dưa lê siêu ngọt theo hướng VietGap và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với cấy lúa hoặc trồng cây truyền thống khác. ở vụ xuân năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do sâu bệnh, mưa to đầu vụ làm ngập úng nhiều diện tích nhưng đánh giá sơ bộ dưa lê đạt năng suất, sản lượng theo yêu cầu.
Dưa cuối vụ thu hoạch quả không quá to nhưng vị ngọt đậm và rất an toàn. Năng suất ước đạt 10-12 tấn/ha, giá thành cao hơn năm trước từ 3-5 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi sào cho thu nhập 2 triệu đồng, cao hơn so với cấy lúa. Hiện nay, toàn bộ dưa sau thu hoạch được phân loại và đưa đi tiêu thụ tại các siêu thị Hà Nội và một số cửa hàng nông sản an toàn của Ninh Bình.
Như vậy, việc đưa cây dưa lê siêu ngọt vào đồng đất Khánh Hải trồng theo quy trình VietGap đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Hồng Giang baoninhbinh.org.vn
Online 135
Hôm nay 778
Hôm qua 0