Xác định cây lúa là một trong những cây trồng chủ đạo, thế mạnh của địa phương, những năm qua, huyện Yên Khánh đã có những định hướng chiến lược để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm lúa gạo. Tư duy sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu đang dần được thay thế bằng phương thức canh tác hữu cơ hiện đại, chú trọng kỹ thuật.
Kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa mùa tại xã Khánh Trung (Yên Khánh). Ảnh: Anh Tuấn
Đối với sản xuất nông nghiệp ở Yên Khánh, trong lĩnh vực trồng trọt, cây lúa chiếm một vị trí rất quan trọng. Chỉ tính riêng trong vụ đông xuân hàng năm, trong tổng số 8.400 ha cây trồng các loại thì có tới 7.300 ha là cấy lúa. Sinh kế của hàng vạn nông dân Yên Khánh đang dựa vào nguồn thu từ cây lúa. Tuy nhiên, có một nghịch lý đáng buồn là hiệu quả kinh tế từ cây lúa vẫn đang ở mức thấp.
Ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Nâng cao giá trị lúa gạo chính là nâng cao thu nhập cho đại bộ phận nông dân. Để làm được điều này, chúng tôi xác định, trước tiên phải tổ chức lại sản xuất theo hướng giảm giá thành, hướng nông dân vào sản xuất tập thể bằng các mô hình liên kết mới.
Bên cạnh đó, đưa vào gieo cấy bộ giống lúa chất lượng cao, áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, tạo ra các sản phẩm lúa gạo chất lượng, an toàn.
Cụ thể, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, giảm số thửa bình quân từ 4,8 thửa/hộ xuống còn 1,8 thửa/hộ. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành hàng trăm cánh đồng mẫu lớn quy mô từ 50-100 ha. Đây chính là cơ sở để các xã, thị trấn đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Hiện nay, huyện Yên Khánh đã có 100% diện tích canh tác được làm đất bằng máy, trên 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. ở khâu gieo cấy, một số nơi đã áp dụng hình thức gieo mạ khay, cấy máy. Ở khâu phun thuốc BVTV, phổ biến việc sử dụng máy phun kéo dây, giàn phun chạy trên mặt ruộng… Việc cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu sản xuất đã góp phần giảm công lao động, giảm đáng kể chi phí đầu tư.
Để nâng cao chất lượng lúa gạo, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp&PTNT; các xã, thị trấn trong huyện cũng đã đưa nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, bên cạnh đó, hướng dẫn người dân nâng cao kỹ thuật canh tác. Nhờ đó, năng suất, chất lượng lúa gạo được nâng lên rõ rệt.
Xã Khánh Trung là một trong những điểm sáng của huyện Yên Khánh trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Hiện nay, xã có hơn 60 máy cày bừa, 42 máy gặt đập liên hợp, 1 giàn gieo mạ khay, 5 máy cấy, 1 máy bay phun thuốc không người lái. Từ khâu đầu đến khâu cuối của sản xuất lúa ở đây đều đã được cơ giới hóa.
Ngoài ra, các HTX trên địa bàn còn tổ chức ký kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho bà con. Ông Phạm Ngọc Duân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Từ năm 2018, xã triển khai thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với việc sử dụng mạ khay, cấy máy và đến vụ mùa này toàn xã đã có gần 90 ha sản xuất theo hình thức này.
Kết quả đem lại ngoài mong đợi: việc không sử dụng thuốc trừ cỏ, thay thế thuốc BVTV thông thường bằng thuốc BVTV sinh học, thay thế phân hóa học bằng phân hữu cơ đã giúp chất lượng môi trường sinh thái được cải thiện rõ rệt, năng suất lúa đảm bảo, chất lượng tăng lên. Đây chính là điều kiện để lúa gạo của nông dân Khánh Trung thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị.
Không chỉ riêng xã Khánh Trung, trên địa bàn huyện Yên Khánh đã có nhiều xã, HTX ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo, mang lại hiệu quả cao, như: HTX Đồng Xuân Tiến, xã Khánh Thành; HTX Hợp Tiến, xã Khánh Nhạc; HTX Nam Cường, xã Khánh Cường… Toàn huyện có trên 200 ha lúa sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ và giá trị của loại lúa gạo này cao gấp 1,2 lần so với lúa sản xuất đại trà.
Thời gian tới, để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, huyện Yên Khánh tiếp tục tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo hướng hữu cơ và coi đây là giải pháp giúp nông dân Yên Khánh giải quyết bài toán thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện, khuyến khích hình thành các hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm lúa, gạo cũng như liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến như: mạ khay cấy máy, máy bay phun thuốc không người lái vào sản xuất…
Từng bước thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa phù hợp với cơ chế thị trường, phát huy lợi thế địa phương nhằm tăng nguồn thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu http://baoninhbinh.org.vn/
Online 158
Hôm nay 823
Hôm qua 0