Xác định ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần đổi mới giáo dục và thực hiện chuyển đổi số, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Khánh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy và học tại các nhà trường.
Giảng dạy môn Tin học ở Trường Tiểu học Khánh Thiện.
Hiện nay, các nhà trường trên địa bàn huyện quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT, tích cực khai thác, sử dụng bài giảng trên truyền hình, kho học liệu số và bản mềm sách giáo khoa tại các trang web của nhà xuất bản; nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học được áp dụng rộng rãi.
Thầy giáo Đoàn Văn Thường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Thiện cho biết: Từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022, là những năm học khó khăn với thầy và trò Trường Tiểu học Khánh Thiện do ảnh hưởng của dịch bệnh làm xáo trộn việc dạy và học. Tuy nhiên đó cũng là cơ hội để nhà trường đẩy mạnh việc dạy và học trực tuyến.
Thuận lợi của nhà trường trong tổ chức việc dạy và học trực tuyến là có các trang thiết bị hiện đại. 100% phòng học được trang bị CNTT; tại các lớp có tivi thông minh, 3 máy chiếu; phòng Tin học có 18 máy tính; các bộ phận làm việc có máy tính kết nối... Việc dạy và học trực tuyến là cơ hội để thay đổi nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số của đội ngũ giáo viên nhà trường và năng lực số của học sinh.
Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Khánh Thiện có 437 học sinh/14 lớp. Nhà trường xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số như xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung làm nền tảng xây dựng các phần mềm, công cụ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. Xây dựng môi trường làm việc, môi trường học tập thông minh trên nền tảng số.
Qua các tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin góp phần thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực. Giúp giáo viên, học sinh tiếp cận, làm quen và làm chủ công nghệ số. Tiến hành chuẩn hóa phần mềm chỉ đạo, quản lý, tổ chức hoạt động dạy và học sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo tính khả thi.
Thực tế cho thấy việc ứng dụng phần mềm quản lý dạy và học đã giúp kết nối nhanh chóng dữ liệu trong toàn ngành và giảm thời gian, công sức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ năm học.
Thầy giáo Ngô Quang Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Hội cho biết: Ngoài việc thực hiện các văn bản quy định về cập nhật phần mềm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà trường sử dụng các Driver của Google để chia sẻ các công việc, đảm bảo cho hoạt động nhà trường, thực hiện các phầm mềm sổ điểm điện tử, phần mềm kế toán, cơ sở dữ liệu quản lý văn bản… Tiến tới yêu cầu các thầy, cô giáo ở các tổ bộ môn thực hiện ký giáo án điện tử.
Khi ứng dụng CNTT giúp nhà trường chủ động ứng phó với dạy và học trong điều kiện dịch bệnh; thầy cô linh hoạt, đa dạng tài liệu lên lớp; học sinh thuận lợi khi sử dụng sổ liên lạc điện tử.
Ứng dụng CNTT trong dạy học ở Trường THCS Khánh Hội.
Cô giáo Phạm Thị Vui, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Khánh Hội cho biết: Việc ứng dụng CNTT được triển khai mạnh mẽ trong các hoạt động dạy học trực tuyến, qua các buổi sinh hoạt chuyên môn tại tổ chuyên môn. Đối với môn Hóa, giáo viên thường xuyên sử dụng phần mềm thiết kế bài dạy như Powerpoint, một số công cụ dạy học, bảng biểu, sơ đồ tư duy… Qua đó giúp bài dạy sinh động, hấp dẫn, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ bài, đồng thời giúp giáo viên giảm thời gian, chi phí in ấn trong soạn giáo án.
Nhà giáo Đinh Văn Khiêm, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Khánh cho biết: Phòng GD&ĐT tích cực tham mưu với UBND huyện tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT trong trường học. Chỉ đạo các trường sử dụng hiệu quả các phần mềm do Sở GD&ĐT Ninh Bình cung cấp để cán bộ, giáo viên, nhân viên khai thác, sử dụng và dạy học bằng các phần mềm mã nguồn mở. Đồng thời, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường còn được Đài truyền hình Ninh Bình, Đài truyền hình Việt Nam hỗ trợ học sinh, giáo viên dạy học qua truyền hình.
Việc ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá và dạy học trực tuyến được các trường lựa chọn các nền tảng, phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực hiện, áp dụng khi học sinh không thể đến trường do dịch COVID-19; sử dụng tối đa lợi ích phần mềm, giúp học sinh học chủ động hơn và giảm tác động khi đường truyền Internet quá tải.
Giáo viên được tập huấn, được đồng nghiệp hướng dẫn do vậy kỹ năng quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến thành thạo, đảm bảo tổ chức dạy, học trực tuyến an toàn và hiệu quả đảm bảo được mục tiêu giáo dục đề ra, qua việc dạy trực tuyến giáo viên hướng dẫn học sinh tự học, giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh, kiểm tra đánh giá và phối hợp với gia đình trong triển khai các hoạt động giáo dục.
Đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Khánh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong đổi mới phương thức quản trị cơ sở giáo dục và quản lý nhà nước về giáo dục, chỉ đạo các trường sử dụng có hiệu quả các phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, phục vụ tốt nhất cho việc dạy và học.
Hiện trên nền tảng cơ sở dữ liệu, các trường đang sử dụng hồ sơ điện tử gồm: sổ điểm điện tử, học bạ điện tử (có thể in ra từ phần mềm, đáp ứng đúng-đủ nội dung, có xác nhận của người có thẩm quyền hoặc gắn chữ ký số), sổ liên lạc điện tử kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số zalo, facebook, email…
Baoninhbinh.org.vn
Online 171
Hôm nay 879
Hôm qua 0