Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Chuyển đổi số- chìa khóa để nông nghiệp bứt tốc

Thứ hai, 27/09/2021
 

 

Chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại những giá trị to lớn, có thể giúp nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán được giá cao nhất. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông nghiệp Ninh Bình nói riêng lại có thành phần chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ lẻ, xuất phát điểm thấp về trình độ công nghệ nên để chuyển đổi số thành công không phải là điều dễ dàng.

Chuyển đổi số- chìa khóa để nông nghiệp bứt tốc

Công ty cổ phần đầu tư công nghệ xanh sử dụng công nghệ IOT trong quá trình sản xuất rau an toàn. Ảnh: Trường Giang

Thách thức của khu vực phát triển thấp

Dù những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam đang có những đấu hiệu tích cực nhưng năng suất lao động của nông dân Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất châu á. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất hạn chế, việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất còn chậm, trình độ chuyên môn của nông dân chưa cao, thể trạng của nông dân thấp, yếu… Nông nghiệp, nông thôn vẫn được coi là khu vực phát triển thấp, đang trong thời kỳ chuyển đổi.

Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp&PTNT phối hợp với Bộ Thông tin&Truyền thông tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong nông nghiệp số, bên cạnh tư liệu sản xuất truyền thống, người nông dân sử dụng thêm dữ liệu số và công nghệ số. Vì vậy, ngoài kỹ năng sản xuất, họ sẽ phải có thêm một số tri thức, kỹ năng về thương mại, công nghệ, sinh học…

Một "nông dân chuyển đổi số" mỗi khi vào vụ mới sẽ lựa chọn cây trồng dựa vào ứng dụng tư vấn trồng trọt trên điện thoại thông minh. ứng dụng này tích hợp các dữ liệu về tình trạng dinh dưỡng đất trồng, dự đoán về thời tiết địa phương, thậm chí nhu cầu thị trường và giá nông sản cho từng mùa vụ, từ đó có những phân tích và đưa ra các gợi ý để nông dân xác định được cây trồng nào có tiềm năng nhất. "Nông dân chuyển đổi số" mở điện thoại, chọn ứng dụng tìm kiếm thuê máy cày, giống như người dân ở thành phố chọn Uber, Grab; dùng các ứng dụng tư vấn trồng trọt để cập nhật thông tin sâu bệnh và phương án phòng trừ nhằm tránh thiệt hại. Khi thu hoạch, "nông dân truyền thống" chở nông sản đi chợ bán và bị ép giá, còn nông dân chuyển đổi số bán nông sản của mình trên một sàn thương mại điện tử. Nền tảng này cũng đảm nhận luôn cả công tác hậu cần, vận chuyển…

Qua ví dụ trên có thể thấy, chuyển đổi số hiện nay không đơn giản chỉ là số hóa (biến đổi dữ liệu trên giấy thành dữ liệu mềm, số hóa quy trình cũ), mà nó yêu cầu phải ứng dụng công nghệ số tạo ra những phương thức làm việc mới, mở ra thời kỳ phát triển thông minh, cao hơn hẳn các thời kỳ công nghiệp hóa trước đây. 

Đối với nông nghiệp, nông thôn đó là bậc thang chuyển đổi rất cao, với những thách thức rất lớn bởi xuất phát điểm của chúng ta thấp, cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ; trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế, nông dân phần nhiều chưa qua đào tạo. 

Những kết quả ban đầu

Những năm gần đây, Ninh Bình đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp và quản trị nông thôn. Là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số, bà Lê Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh) chia sẻ: Là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi đã sớm nhận thấy sức mạnh của công nghệ số và chủ động ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) vào trong trang trại. 

Thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm sẽ tự động điều chỉnh chế độ tưới, việc bón phân cho cây trồng cũng được tự động hóa, nhờ đó giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Nhờ được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp như dưa vàng, dưa lê, rau... của Công ty đạt tiêu chuẩn để đưa vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trong và ngoài tỉnh. 

Ngoài Công ty cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh đã ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất thì nhiều đơn vị sản xuất nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng đã ứng dụng một số công nghệ hiện đại như: Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng máy gieo hạt, máy thu hoạch, công nghệ điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà lưới, nhà màng… Các HTX, doanh nghiệp và nông dân sử dụng tem nhãn QR để dán lên sản phẩm trong quản lý truy xuất nguồn gốc. 

Trong lâm nghiệp, các phần mềm sử dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) và ảnh viễn thám cũng đã được ứng dụng để phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. Trong thủy sản, các hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn, công nghệ biofloc, công nghệ nano cũng đang bắt đầu được một số doanh nghiệp, nông dân áp dụng. Trong chăn nuôi, việc quản lý bằng camera hay cho ăn tự động cũng khá phổ biến.

Bên cạnh đó, nhiều vùng nông thôn đã ứng dụng công nghệ thông tin một cách đơn giản, như lắp đặt hệ thống camera an ninh, góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật. Ninh Bình có xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) là một trong những xã đầu tiên trong toàn quốc được lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số cấp xã.

Theo đánh giá từ Sở Nông nghiệp&PTNT, những điểm sáng ứng dụng công nghệ nêu trên đã từng bước thay đổi phương thức quản lý, sản xuất, giảm nhân công, lao động, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, đó chỉ là những ứng dụng rời rạc, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số. 

Cần có cách tiếp cận đúng và bước đi phù hợp

Theo Quyết định 479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Điều này cho thấy quyết tâm của Bộ trong việc đưa số hóa vào từng cánh đồng, khu sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT: Không đứng ngoài xu thế chung, Sở cũng đang gấp rút xây dựng dự thảo kế hoạch chuyển đổi số của ngành. Mũi nhọn là tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; xây dựng hệ thống dữ liệu về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn nhận các bước đi trong chuyển đổi số phải làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn, thận trọng, không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Trước mắt, Sở tập trung vào việc tuyên truyền để mọi cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và người nông dân thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong chuyển đổi số, yêu cầu, mục tiêu và lộ trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, mời gọi các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ số tham gia đầu tư chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. 

Củng cố, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, nhất là mô hình hợp tác có sự tham gia của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp là đầu tàu, người nông dân là trung tâm. Tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số phù hợp thực tiễn sản xuất nông nghiệp, có tính thực tiễn cao. Lựa chọn ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, phù hợp với mỗi loại hình sản xuất nông nghiệp. 

Ngoài ra, mục tiêu ngắn hạn tới đây, Sở sẽ hỗ trợ để đưa công nghệ tiên tiến vào khâu chế biến, bảo quản một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh, từ đó kéo dài thời gian sử dụng của nông sản, làm cơ sở để đưa các sản phẩm này lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.

                                                                                                                                                       Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
469841

Online 5

Hôm nay 593

Hôm qua 0