Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Chuyển đổi số góp phần thay đổi căn bản hoạt động du lịch

Thứ năm, 23/09/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Du lịch là một ngành gắn liền với mọi biến động của xã hội và phát triển theo nhu cầu của con người. Khi khoa học công nghệ bùng nổ và toàn cầu hóa thì du lịch có điều kiện ứng dụng các hoạt động dịch vụ phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Chuyển đổi số góp phần thay đổi căn bản hoạt động du lịch

Nhân viên Khách sạn Hoàng Sơn (thành phố Ninh Bình) ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc. Ảnh: Trường Giang

Trên thế giới, ngành du lịch đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và du lịch đã đem lại nhiều tiện ích cho ngành du lịch cũng như du khách, hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Ngành du lịch Việt Nam cũng đã sớm vào cuộc, bắt nhịp với cuộc cách mạng lần thứ tư này. Có thể kể đến, bắt đầu từ cuối tháng 9/2020, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức diễn đàn "Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam" tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ (ASTA); đại diện Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA); chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới từ Google, Facebook, Booking.com và khách quốc tế tham gia trực tuyến; khối hiệp hội và doanh nghiệp du lịch; cơ quan truyền hình và báo chí cùng nhiều doanh nghiệp nghỉ dưỡng, lữ hành, khách sạn trong cả nước.

Tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 đã buộc ngành du lịch phải thay đổi. Sự nguy hiểm, khó lường của dịch Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường…, nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được. 

Bởi vậy, chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Điều đó cho thấy chỉ các doanh nghiệp du lịch triển khai chuyển đổi số mới có thể đáp ứng nhu cầu này. 

Cùng với xu thế chung, ngành Du lịch Ninh Bình cũng hưởng ứng và đang triển khai chuyển đổi số trong toàn ngành. Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Sở Du lịch có Kế hoạch 554/KH-SDL về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số ngành Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngành du lịch góp phần thúc đẩy du lịch Ninh Bình, tạo bước đột phá phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đến năm 2030, Ninh Bình phấn đấu đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% hoạt động quản lý nhà nước của ngành sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với Quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 

Dịch vụ công đủ điều kiện công bố mức độ 4, đạt 100% thực hiện truy cập trên nhiều phương tiện, thiết bị khác nhau, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt ít nhất 50%. Triển khai số hóa "Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành du lịch", trên nền tảng dữ liệu lớn của tỉnh. Triển khai hệ thống báo cáo số tích hợp, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch (cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, doanh nghiệp lữ hành và vận chuyển), bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch. 

Tất cả cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản và khoảng 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số. Phấn đấu 60% doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, kinh doanh và 90% doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử trong các hoạt động về tài chính.

Ngành du lịch cũng đặt mục tiêu dài hơi hơn, đến năm 2030 sẽ cơ bản triển khai số hóa "Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành du lịch", trên nền tảng dữ liệu lớn của tỉnh. Triển khai hệ thống báo cáo số tích hợp, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch (cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, doanh nghiệp lữ hành và vận chuyển), bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. 

Kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch… Phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh. Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, góp phần đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Anh Hoàng Bình Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình chia sẻ: Trong thời đại công nghệ số, việc hỗ trợ cung cấp thông tin du lịch có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với công tác quảng bá hình ảnh du lịch của Ninh Bình, giới thiệu thế mạnh từng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với khách du lịch, doanh nghiệp trong, ngoài nước và cộng đồng du khách trong nước, quốc tế quan tâm đến địa danh du lịch nổi tiếng của Ninh Bình.

Hình thức cung cấp thông tin du lịch phổ biến nhất hiện nay đang được các doanh nghiệp du lịch tại Ninh Bình là thông qua các website đơn vị, qua cổng thông tin điện tử của Sở Du lịch Ninh Bình, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Ninh Bình, các hình thức quảng bá qua Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo, Email... 

Với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, ngày nay, cho phép các nhà lập trình thiết kế, tích hợp nhiều tính năng, tiện ích đa dạng trên nền tảng web hỗ trợ các hoạt động du lịch như: bản đồ du lịch điện tử, chức năng (đặt chỗ trực tuyến) booking online, tư vấn, chăm sóc khách hàng và thanh toán trực tuyến…, thậm chí có thể tạo ra sự tương tác trực tiếp của khách du lịch như góp ý, phản ánh, bình luận về các sự kiện du lịch… 

Bên cạnh các hệ thống website, mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo, Email,…) cũng là một trong những kênh quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, trải nghiệm du lịch và góp phần quảng bá du lịch. Các doanh nghiệp du lịch tại Ninh Bình đã tích cực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. 

Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư và quản lý các khu, điểm đến du lịch (Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Động Thiên Hà, Hang Múa), các khách sạn 4 sao (Khách sạn Hoàng Sơn, Khách sạn Legend…), các nhà hàng (nhà hàng Thành Long 5, Vũ Bảo), các doanh nghiệp lữ hành (Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Ninh Bình, Công ty cổ phẩn Hàng không Hưng Thịnh…), dưới sự hỗ trợ giúp đỡ của Sở Du lịch Ninh Bình và Hiệp hội Du lịch Ninh Bình… đang tự cải tiến mình để trở thành những doanh nghiệp thông minh. 

Theo đó, các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến: marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua - bán, thanh toán… dần thay thế cho cách làm truyền thống trước đây như: in tờ rơi, tập gấp, sách, bản đồ,…tiết kiệm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu du khách ở mọi lúc, mọi nơi.

Nhờ ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng cũng như năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận. 

Anh Đoàn Minh Thành, Giám đốc điều hành Khách sạn Hoàng Sơn cho biết: Trước đây, tham gia các hội chợ, quảng bá các đơn vị đối tác muốn biết rõ hơn về doanh nghiệp thì phải về tận nơi để khảo sát. Vì vậy, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn đã xây dựng trang Web cho khách sạn từ năm 2012 nhưng chưa tận đụng tối đa, nên đến năm 2017 tiếp tục nâng cấp trang Web, tích hợp nhiều tính năng hơn. Qua đó, cập nhật thường xuyên các hoạt động của khách sạn: các chương trình khuyến mại hay sản phẩm mới… 

Với điện thoại thông minh hoặc máy tính, khách hàng thể tìm hiểu các dịch vụ, tham quan tổng thể khách sạn rất chi tiết qua camera 360 độ view. Bên cạnh đó Hoàng Sơn Hotel đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xây dựng các trang Facebook, Fanpage, Zalo, sử dụng QRcode (năm 2017)... để quảng bá tới khách hàng, trong quản lý, điều hành hoạt động tại khách sạn. 

Hiện, trong công việc, các bộ phận doanh nghiệp sử dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số tạo thuận lợi cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Cụ thể như đã sử dụng phần mềm quản lý "Perfect key management", kinh doanh, bán hàng (sales) và thanh toán.

Theo baoninhbinh.org.vn

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
978633

Online 72

Hôm nay 1011

Hôm qua 0