Trong 5-10 năm tới, chúng ta sẽ thấy Việt Nam trở thành một quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng. Chuyển đổi số len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, mọi mặt của xã hội sẽ thay đổi. Cũng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ rất khác so với hiện tại, vì khi đó cuộc sống số sẽ song hành với cuộc sống thực tại.
Đây là nhận định của nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ những ngày đầu năm mới 2022 về triển vọng của Việt Nam trong 5-10 năm tới dưới tác động của chuyển đổi số.
Hình dung có căn cứ
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ chỉ trong 1 năm qua, nhiều nội dung triển khai chuyển đổi số ở nước ta đã có những bước tiến rất quan trọng. Trong đó, nổi bật là hành lang pháp lý để thực hiện chuyển đổi số đã được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành.
Lãnh đạo Tập đoàn VNPT phân tích từ nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nền tảng cổng dịch vụ công đến nền tảng cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã ban hành các nghị định liên quan trong năm 2021. Các khung pháp lý đều rõ ràng với mục tiêu cụ thể đã được triển khai trong dịch vụ công. Điều này giúp tất cả giao dịch trên môi trường số có bước chuyển mạnh, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số.
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Quyết định 06/QĐ-TTg về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là tới giai đoạn 2023-2025, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất trên tất các các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
100% người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa các cấp được định danh, xác thực điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ về dân cư đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
"Quyết định trên đã tạo ra hành lang pháp lý và mục tiêu cụ thể để các bộ, ngành, địa phương phát huy tất cả những ứng dụng của mình, chia sẻ dữ liệu, qua đó phục vụ tốt nhất cho người dân. Đề án nhằm mục tiêu đưa tất cả những giao dịch của người dân lên môi trường số. Từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đến bảo hiểm và thuế, sắp tới là y tế, giáo dục, tất cả nền tảng sẽ được đồng nhất với một định danh duy nhất của người dân trên môi trường số. Các quy trình của cơ quan nhà nước, bộ ngành, địa phương cũng thông suốt dữ liệu. Đây là một bước tiến rất lớn của Chính phủ trong thời gian qua về lĩnh vực chuyển đổi số", lãnh đạo VNPT nhấn mạnh.
Cùng với đó, kết hợp với sự bùng nổ trong thanh toán online thời gian qua, ông Huỳnh Quang Liêm khẳng định đó là những mảnh ghép quan trọng giúp chúng ta hướng tới chuyển đổi số một cách thực chất nhất trong những năm tới.
Với những dẫn chứng trên, lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho rằng hoàn toàn có căn cứ để tin tưởng và hình dung trong 5-10 năm tới, dưới tác động của chuyển đổi số, Việt Nam sẽ có đủ hành lang pháp lý và dữ liệu. Khi đó, toàn bộ hoạt động của người dân trong giao dịch với chính quyền đều thực hiện trên môi trường số. Đặc biệt, những yêu cầu của người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, nhanh gọn hơn nhiều so với hiện nay. Chính quyền cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn, quản trị tốt hơn.
Nhấn mạnh chuyển đổi số đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC cũng chia sẻ ngay bây giờ, người dân đã gọi xe qua ứng dụng (app) thay vì đi xe ôm; mua bán hàng hoá qua các trang thương mại điện tử, thậm chí giao dịch online thay vì trực tiếp đến chợ… Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển ở các vùng sâu, vùng xa của đất nước trong thời gian tới.
Khu vực khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp cũng phát triển mạnh với một số công ty khởi nghiệp phát triển thành công ty "kỳ lân" - các công ty khởi nghiệp đã mở rộng quy mô và trở thành các tổ chức quốc tế có giá trị hơn 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, công nghệ cũng "nhảy vọt", các hệ thống cơ khí bị bỏ qua để chuyển sang hệ thống tự động hoàn toàn; tiền tệ số như cashless money, digital money sẽ lên ngôi; thành phố thông minh với nhiên liệu sạch, phương tiện tự động, giám sát quản lý giao thông hiện đại… trở thành hiện thực sinh động.
"Chúng ta sẽ thấy một quốc gia chuyển đổi số nhanh chóng. Mọi mặt của xã hội nước ta sẽ thay đổi nhờ tác động của chuyển đổi số, tạo ra nhiều cơ hội mới. 10 năm tới, chúng ta sẽ rất khác so với hiện tại vì khi đó cuộc sống số sẽ song hành với cuộc sống thực tại", ông Nguyễn Trung Chính tin tưởng.
Lấy con người làm trung tâm
Thuật ngữ "chuyển đổi số" đã xuất hiện phổ biến trên thế giới trong những năm gần đây, tuy nhiên lại không có một định nghĩa chung chính xác nào về thuật ngữ này. Theo các chuyên gia công nghệ, hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số (Digital Transformation) là ứng dụng công nghệ số để thay đổi, chuyển đổi cách làm truyền thống. Nói cách khác là tích hợp các giải pháp số vào cốt lõi của một tổ chức (doanh nghiệp, cơ quan…) để thay đổi sâu sắc cách hoạt động của tổ chức đó bằng cách tạo ra các quy trình kinh doanh mới, trải nghiệm khách hàng tốt hơn và văn hóa tổ chức hiện đại.
Ông Nguyễn Trung Chính dẫn chứng Chính phủ chuyển đổi số bằng cách ứng dụng công nghệ để thay đổi cách quản lý và phụng sự nhân dân ngày một tốt hơn.
Doanh nghiệp chuyển đổi số bằng cách ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức kinh doanh, giúp trải nghiệm khách hàng ngày một tốt hơn.
Người dân chuyển đổi số bằng cách ứng dụng các công cụ công nghệ số để có cuộc sống tiện lợi hơn, tốt hơn, phong phú hơn.
Chuyển đổi số sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, sẽ giải quyết những bức xúc do cách vận hành truyền thống mang lại. Chuyển đổi số sẽ lấy con người làm trung tâm, đó cũng chính là khách hàng-đối tượng phục vụ của doanh nghiệp.
Mỗi người dân đóng vai trò then chốt khi tham gia quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất, thông qua những thay đổi thói quen, sinh sống, làm việc và giao dịch trong xã hội.
Doanh nghiệp có vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, dù lớn, dù nhỏ, cần hợp lực để cùng phát triển hệ thống hạ tầng số và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề có giải pháp chuyển đổi số phục vụ kinh doanh trong tất cả các ngành nghề.
Trước đây, các công nghệ kiểu cũ thì chỉ có các công ty lớn, tiềm lực kinh tế mạnh mới có thể tiếp cận được. Do đó, họ luôn dẫn đầu thị trường, ít nhất là một vài bước. Nhưng hiện nay, dù công ty nhỏ hay những start-up mới đều có thể tiếp cận được công nghệ không thua kém những công ty lớn.
Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT cũng chia sẻ, liên quan đến y tế, mục tiêu cuối cùng của hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn là "lấy bệnh nhân làm trung tâm". Công nghệ ứng dụng trong y tế là những kỹ thuật được tích hợp vào các thiết bị như máy xét nghiệm tự động, máy chụp CT, MRI, robot phẫu thuật...
Hiện nay, nhờ các ứng dụng này mà công việc chẩn đoán và điều trị của bác sĩ trở nên chính xác và hiệu quả hơn rất nhiều. Công nghệ thông tin quản lý dữ liệu y tế là một mảng khác, giúp số hoá bệnh án, lưu trữ và khai thác thông tin một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Ngoài ra, cũng nhờ sự phát triển của công nghệ 4G, 5G, Internet có tốc độ đường truyền cao, có thể truyền hình ảnh, âm thanh, video... giúp ứng dụng vào việc truyền tin trong ngành y tế rất phát triển, còn gọi là khám chữa bệnh từ xa (Telehealth hay Telemedicine) nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi của người dân.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân, toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới với hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí. Việt Nam đã sẵn sàng cho phát triển số mạnh mẽ.
Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thống nhất một số quan điểm chỉ đạo, như: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ riêng Việt Nam, mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với "thách thức kép" - vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương, do đó, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia quá trình chuyển đổi số. Cần phải có tư duy đột phá với tầm nhìn chiến lược, có giải pháp, cách làm phù hợp, nhưng phải bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm. Tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, làm việc nào dứt điểm việc đó.
(Nguồn: baochinhphu.vn)
Online 144
Hôm nay 1071
Hôm qua 0