Hơn 1 năm quyết liệt triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), Công an tỉnh đã cùng các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án 06 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Công an xã Khánh Vân hướng dẫn công dân các bước làm tài khoản định danh điện tử.
Với vai trò cơ quan thường trực Đề án 06, Công an tỉnh đã chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo nguồn dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Công tác cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, định danh cá nhân, giải quyết cư trú trên dịch vụ công được thực hiện nghiêm túc.
Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, chương trình, kế hoạch chỉ đạo cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện theo từng yêu cầu, nhiệm vụ và lộ trình cụ thể… Đồng thời, triển khai việc cấp CCCD gắn chip điện tử đối với 100% người dân trong độ tuổi đủ điều kiện, cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Thiếu tá Lã Hữu Hưng, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh về việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử và thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, tuổi trẻ Công an tỉnh đã triển khai các hoạt động, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đến Công an huyện, thành phố chỉ đạo các tổ chức Đoàn thanh niên Công an các huyện, thành phố xung kích, tình nguyện tuyên truyền hướng dẫn đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân đăng ký định danh điện tử.
Công an tỉnh đã thành lập Tổ tuyên truyền lưu động trực tiếp đến các sở, ban, ngành, phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội để đến các sở, ban, ngành hướng dẫn cho đoàn viên, thanh niên, cán bộ, nhân viên đăng ký VneID. Công tác tuyên truyền, cấp tài khoản định danh điện tử được triển khai đồng bộ tại các địa phương trong toàn tỉnh, trong đó tuổi trẻ Công an tỉnh là lực lượng xung kích và nòng cốt.
Thời gian tới, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, tuổi trẻ Công an tỉnh tiếp tục xung kích, tình nguyện trong việc hướng dẫn, tuyên truyền để nhân dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 và thực hiện Dịch vụ công trực tuyến.
Để triển khai hiệu quả Đề án 06, lực lượng Công an các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung, yêu cầu, ý nghĩa, tiện ích của Đề án 06. Qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết, chủ động, tự giác thực hiện, vận động, khuyến khích người dân thực hiện cài đặt định danh điện tử bằng nhiều hình thức, biện pháp, nội dung cụ thể, thiết thực.
Trung tá Phạm Văn Học, Trưởng Công an xã Yên Hòa, huyện Yên Mô cho biết: Thực hiện Đề án 06, Công an xã Yên Hòa đã tham mưu cho Ban chỉ đạo Đề án 06 của xã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện đúng theo kế hoạch của Chính phủ, tỉnh; tham mưu và triển khai đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt trên 78% công dân trong độ tuổi trên địa bàn xã có tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Qua đó giúp công dân thuận tiện trong thực hiện các giao dịch hành chính.
Người dân thị trấn Yên Ninh (Yên Khánh) quét mã QR đăng nhập vào Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Mục tiêu tổng quát của Đề án 06 là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2023, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đó đã được cụ thể hóa trong 43 mô hình Đề án 06.
Các mô hình để phục vụ 5 nhóm tiện tích như: phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; giúp phát triển kinh tế-xã hội; phục vụ công dân số; triển khai số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách TTHC; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đã triển khai 38/43 mô hình của Đề án 06, trong đó 11 mô hình đã có kết quả.
Sau hơn một năm "dồn tâm lực", hết sức "thần tốc" thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp tại Ninh Bình bước đầu đã được thụ hưởng những thành quả nhất định: Cơ sở dữ liệu về dân cư đã được ứng dụng vào thực hiện những nhiệm vụ trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là trong nhiều dịch vụ công thiết yếu, giúp quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm và đạt hiệu quả nhiều mặt.
Tính đến nay, Công an tỉnh Ninh Bình đã cấp 681.736 tài khoản định danh điện tử, Cục C06 đã phê duyệt 574.925 tài khoản, kích hoạt 521.038 tài khoản định danh điện tử, vượt chỉ tiêu Bộ giao 521.038/448.959, vượt 116,1%. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 104%.
Đã có 100% cơ quan nhà nước đã được cấp chữ ký số chuyên dùng với 5.057 chứng thư số. Đã cấp 292 SIM PKI phục vụ việc ký số trên thiết bị di động cho các đồng chí lãnh đạo các cấp. Các doanh nghiệp đã phát triển 17.589 chữ ký số cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kết quả triển khai 11 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an tỉnh đã giải quyết 129.441/157.504 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 82,3%. Kết quả triển khai 14 DVC của các sở, ban, ngành đã giải quyết 59.588/84.362 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 70,6%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành kết nối với 19 hệ thống thông tin của các Bộ, ngành.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Công an tỉnh cùng các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 bằng những biện pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với từng địa phương, phấn đấu hoàn thành sớm các mục tiêu, nhiệm vụ Đề án.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Online 389
Hôm nay 4288
Hôm qua 0