Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ sáu, 27/08/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số đã được Sở Công thương triển khai thực hiện có hiệu quả tích cực góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận với sàn giao dịch điện tử, thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát ở cả trong và ngoài nước. Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp

Khu vực giao dịch của Sở Công thương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Anh Tuấn

P.V: Trong điều kiện hiện nay, chuyển đổi số là một đòi hỏi tất yếu của nền kinh tế. Xin đồng chí đánh giá tổng quan về hiện trạng cũng như nền tảng để Sở Công thương đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số?

Đ/c Hoàng Trung Kiên: Việc ứng dụng CNTT cũng như chuyển đổi số là phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 cũng như xu thế chung của nền thương mại hiện đại, góp phần quan trọng hướng đến thay đổi dần hình thức xúc tiến thương mại. Trong những năm qua, công tác đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nói chung, chuyển đổi số nói riêng được Sở Công thương quan tâm và thực hiện mang lại những kết quả hết sức tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay cơ bản đảm bảo cho hoạt động cũng như bảo mật tài liệu toàn ngành. 

Đến thời điểm này, 100% văn bản đến và đi đều được Sở tiếp nhận, số hóa, ký số và xử lý liên thông 4 cấp trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice (trừ các văn bản mật); 100% quy trình điện tử, quy trình nội bộ của đơn vị tiếp tục được rà soát đơn giản hóa và cắt giảm 2 bước cho mỗi quy trình, cắt giảm tổng cộng 413 giờ so với quy định.Đặc biệt từ đầu năm 2021, theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở Công thương đã cập nhật, cung cấp số liệu và thực hiện việc báo cáo về cải cách hành chính thông qua Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; theo kế hoạch cuối năm 2021 toàn bộ các báo cáo về chỉ tiêu kinh tế, các báo cáo chuyên ngành của Sở sẽ được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và Chính phủ mà không phải sử dụng văn bản giấy.

Trên Hệ thống dịch vụ công và một cửa điện tử của tỉnh, Sở Công thương đang cung cấp tổng cộng 126 thủ tục hành chính, trong đó, 36 thủ tục được thực hiện ở mức độ 2; 49 thủ tục ở mức độ 3 và 41 thủ tục ở mức độ 4. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở đã tiếp nhận 6.758 bộ hồ sơ, trong đó có 3.838 bộ hồ sơ được tiếp nhận qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hầu hết các hồ sơ đều được tiếp nhận trực tuyến và xử lý trên môi trường mạng.

P.V: Thưa đồng chí cùng với việc ứng dụng CNTT để giải quyết thủ tục hành chính Sở Công thương đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nền kinh tế số?

Đ/c Hoàng Trung Kiên: Thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, Sở Công thương đã xây dựng Kế hoạch hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung kinh phí xây dựng website thương mại điện tử bán hàng với hai ngôn ngữ và thiết bị in tem QR code tích hợp truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; hỗ trợ kinh phí tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử toàn cầu để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp.

Từ năm 2020, Sở đã hỗ trợ 03 đơn vị xây dựng website thương mại điện tử là: Công ty TNHH Đổi Mới; Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu; HTX Hoa, cây cảnh nông sản Tam Điệp với tổng kinh phí hỗ trợ là 75 triệu đồng và hỗ trợ 2 đơn vị xây dựng và phát triển gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba là: Công ty TNHH Đổi Mới, Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu với tổng kinh phí 60 triệu đồng.

Đây là những nội dung hỗ trợ về thương mại điện tử rất thiết thực, giúp cho các đơn vị triển khai marketing online một cách hiệu quả, chuyên nghiệp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh và sản phẩm của mình trên thị trường trong nước và thế giới. Website và gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử của đơn vị sẽ cung cấp những thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của đơn vị, đồng thời giúp tiếp cận khách hàng mới, mở rộng thị trường, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, Sở Công thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các sàn thương mại điện tử phục vụ quảng bá sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh…; kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế, cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực…

P.V: Trong điều kiện dịch COVID-19 hiện nay ngành Công thương đã có những định hướng gì để đảm bảo lưu thông hàng hóa?

Đ/c Hoàng Trung Kiên: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 Sở Công thương đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh cần có phương án chủ động tích trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân. Bên cạnh đó, để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng trong điều kiện dịch bệnh, các ngành, địa phương cũng nỗ lực phấn đấu tạo chuỗi liên kết hiệu quả, nhịp nhàng giữa việc bao tiêu sản phẩm nông, lâm, thủy sản, hàng hóa của nhân dân trong tỉnh sản xuất với khâu lưu thông, phân phối. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, siêu thị... tăng cường bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online...

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng nhanh chóng triển khai các ứng dụng thương mại điện tử, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp, Sở Công thương đang triển khai xây dựng Đề án Bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình. 

Phần mềm sau khi hoàn công được đưa vào sử dụng cuối năm 2021 sẽ cho kết quả là 1 phần mềm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc trưng thông qua mã QR được dán trên hàng hóa, sẽ có tác dụng bảo vệ người tiêu dùng tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, chung tay vì cuộc sống an toàn hơn, tiết kiệm hơn, bảo vệ thương hiệu, uy tín và giá trị đích thực của những doanh nghiệp, những sản phẩm chất lượng trên thị trường, chung tay cùng toàn xã hội trong cuộc chiến chống hàng giả, bảo vệ lợi ích cộng đồng.

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tổ chức một số hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn về chuyển đổi số như mở lớp tập huấn về marketing Digital, hội nghị kết nối cung cầu trực tuyến và trực tiếp, giới thiệu doanh nghiệp tham gia trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ, chuyển đổi số, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Theo Baoninhbinh.org.vn

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
978634

Online 79

Hôm nay 1012

Hôm qua 0