Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 12/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Báo cáo của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày đã đánh giá kết quả, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai Đề án 06 nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia thời gian tới.
Năm 2023 được xác định là năm hành động, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác và sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng tập trung chỉ đạo quyết liệt, được thể hiện bằng 3 chỉ thị, 1 công điện, 7 nghị quyết. Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tiếp tục phát huy vai trò thường trực, đôn đốc, thúc đẩy các nhiệm vụ của Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, được thể hiện bằng 11 thông báo của Văn phòng Chính phủ và 5 kết luận của đồng chí Tổ trưởng Tổ Công tác hàng tháng với tổng số 175 nhiệm vụ.
Kết quả, đối với 3 chỉ thị, 1 công điện, 7 nghị quyết, 16 thông báo, có 175 nhiệm vụ, gồm 24 nhiệm vụ chung, 124 nhiệm vụ cụ thể, 27 nhiệm vụ của địa phương; đã hoàn thành 64 nhiệm vụ, chưa hoàn thành 24 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 23 nhiệm vụ, đang triển khai 64 nhiệm vụ.
Những kết quả nổi bật về nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 5/4/2023 quy định một số nội dung và biện pháp thi hành trong số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đến nay, các đơn vị đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 388/1.146 thủ tục hành chính, đạt 34%.
Đối với việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, có 15/20 bộ, cơ quan và 62/63 địa phương đã hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử, đạt 92,77%.
Đối với các bộ, ngành, có 6 đơn vị tỉ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt cao (trên 90%), gồm: Bộ Công an (91,13%), Bộ Nội vụ (98,77%), Bộ KH&CN (96,99%), Bộ Quốc phòng (99,68%), Bộ Tài chính, Bộ TT&TT (100%).
Đối với các địa phương, có 11 đơn vị tỉ lệ số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt cao (trên 90%), gồm: Đà Nẵng (91,53%), Hải Phòng (95,6%), TPHCM (90,11%), Bà Rịa-Vũng Tàu (94,82%), Hà Nam (94,03%), Hải Dương (94,93%), Hòa Bình (94,54%), Lạng Sơn (94,31%), Long An (99,46%), Ninh Thuận (92,53%), Quảng Ninh (97,18%).
Về dịch vụ công, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng 1,76 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến (tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Bên cạnh đó, Bộ Công an đã ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Điển hình như cung cấp dịch vụ làm sạch dữ liệu cho CIC tổng số 41 triệu dữ liệu; thí điểm cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân; triển khai phần mềm quản lý lưu trú cho các cơ sở kinh doanh lưu trú và các bệnh viện trên toàn quốc từ tháng 3/2023, đã có 27.923 cơ sở lưu trú được làm sạch với 14.179 công dân sử dụng.
Bộ Công an đã số hóa, tạo lập dữ liệu của ngành tư pháp, lao động thương binh và xã hội để cắt giảm các thủ tục hành chính, người dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ. Với ứng dụng VNeID, hoàn toàn có thể để người dân tự tạo lập dữ liệu và đẩy về các bộ chuyên ngành xác thực, không cần đầu tư nhiều cho các bộ trong số hóa.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, các dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Nhiều dịch vụ công được người dân hưởng hứng tham gia thực hiện với tỉ lệ cao, hàng năm, tiết kiệm cho Nhà nước khoảng 2.505 tỷ đồng.
Tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa như: CCCD, thẻ BHYT, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn… tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực.
Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, người dân hạn chế đi lại, không tiếp xúc, không giấy tờ, không dùng tiền mặt, loại bỏ dần tình trạng "tham nhũng vặt".
Bộ Công an đã chủ động trong việc tạo công cụ, điều kiện (cấp thẻ CCCD, thu nhận hồ sơ định danh điện tử cho công dân trên toàn quốc), là tiền đề để thực hiện phát triển công dân số.
Đã thu nhận trên 48 triệu hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử (vượt 5 triệu chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 23/2/2023 trước 10 ngày).
Đến nay, 63/63 địa phương hoàn thành cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công an đã phân tích dữ liệu 42.000 người trên 100 tuổi trên cả nước cho Hội Người cao tuổi Việt Nam, phục vụ thực hiện chế độ chính sách, an sinh xã hội cho công dân được chính xác, đảm bảo.
Kết nối thành công 6/8 mục thông tin dữ liệu tổng hợp về dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và đang tiếp tục phối hợp để cải thiện chất lượng, tần suất cập nhật dữ liệu cũng như hoàn thành các mục thông tin còn lại.
Việc đẩy mạnh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, khởi tạo từ máy tính tiền đã giúp truy thu được 485 tỷ đồng tiền thuế.
Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực, điển hình như làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng. Xác thực, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả với 141,7 tỷ đồng dưới hình thức không dùng tiền mặt.
Ứng dụng tài khoản VNeID mức độ 2 với hành khánh đi tàu bay (chuyến bay nội địa). Xác thực sinh trắc học trên thẻ CCCD tại các cơ sở khám chữa bệnh, giảm quy trình 4 bước xuống còn 2 bước, thời gian trung bình xác thực là 6-13 giây, giúp người dân tiết kiệm thời gian làm thủ tục…
Ứng dụng dữ liệu dân cư trong công tác bắt giữ đối tượng truy nã. Xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro. Phục vụ cho vay tín chấp đối với công dân yếu thế, phòng ngừa tội phạm "tín dụng đen". Xác thực CCCD gắn chip, đối chiếu khuôn mặt, giải quyết tình trạng thi hộ, tráo người trong thi cử….
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như có nơi người đứng đầu cấp cơ sở chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; chưa kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của đơn vị, địa phương (như Tây Ninh, Phú Thọ, Bình Thuận).
Một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự tích cực vào cuộc trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công (như Hòa Bình). Công tác phối hợp, trao đổi để thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 giữa các thành viên Tổ công tác và các sở, ngành, địa phương đôi lúc còn chưa kịp thời (như Thái Bình, Phú Thọ).
Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, dần thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.
Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng VNeID, đa dạng hóa các tiện ích và truyền thông để người dân tham gia sử dụng.
Rà soát, đánh giá việc triển khai phần mềm dịch vụ công liên thông, khắc phục các tồn tại, bảo đảm kết nối thông suốt, cập nhật, đồng bộ trạng thái hồ sơ với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của địa phương.
Hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương trong việc khai thác, trích xuất dữ liệu công dân do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chia sẻ với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh tại thời điểm giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm đúng thẩm quyền, phạm vi khai thác dữ liệu và tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo Chinhphu.vn
Online 97
Hôm nay 1016
Hôm qua 0