Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Ngành Giáo dục tích cực thực hiện chuyển đổi số

Thứ năm, 06/05/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình luôn tiên phong trong việc số hóa công tác quản lý và các hoạt động giáo dục, qua đó rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh, hiện thực hóa một trong ba khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII là "Xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện chuyển đổi số" trên địa bàn tỉnh.

Ngành Giáo dục tích cực thực hiện chuyển đổi số

Trường THPT Gia Viễn A đảm bảo cơ sở vật chất để thực hiện chuyển đổi số trong công tác dạy và học.

Cụm từ "chuyển đổi số" giờ đây không còn xa lạ với học sinh và giáo viên Trường THPT Gia Viễn A, bởi hiện nay nhà trường đã làm chủ việc áp dụng công nghệ vào học tập và giảng dạy, như tổ chức kiểm tra, thi trực tuyến, soạn giảng trên phần mềm, ký giáo án điện tử… 

Thầy giáo Lê Thành Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Viễn A cho biết: Xác định chuyển đổi số sẽ giúp cho việc điều hành, quản trị các cơ sở giáo dục được tốt hơn, nên nhà trường đã chủ động triển khai xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, giáo viên về sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong quá trình đổi mới giáo dục; đầu tư, trang bị hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thực hiện chuyển đổi số. 

Hiện nay, 100% phòng học, phòng làm việc của nhà trường có máy tính, 100% phòng học có máy chiếu. Hầu hết học sinh trang bị máy tính, điện thoại thông minh tham gia thi trực tuyến. Các thầy, cô chú trọng đầu tư các phần mềm giảng dạy, ngoài những phần mềm miễn phí, nhà trường đã trang bị thêm các phần mềm về quản lý nhà trường, quản lý việc dạy và học, thi... 

Cùng với đó, sử dụng hiệu quả phần mềm, ký số công việc về kế toán, quản lý cơ sở vật chất, văn thư, văn bản trong nhà trường. Thực hiện chuyển đổi số đã giúp quản trị nhà trường chặt chẽ qua việc số hóa các văn bản; giúp học sinh linh hoạt trong tra cứu thông tin, sử dụng các tài liệu qua thư viện điện tử; thi và kiểm tra học kỳ thuận lợi.

Việc chuyển đổi số đã được ngành GD&ĐT thực hiện thử nghiệm toàn diện ở 3 cấp học, từ Tiểu học đến THPT. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Sửu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Ninh Bình) cho biết: Là trường Tiểu học đầu tiên được Sở GD&ĐT chọn tập huấn về chuyển đổi số trong trường học về quản lý học sinh, quản lý nội bộ giáo viên, giảng dạy trực tuyến, các cán bộ, giáo viên nhà trường rất tích cực và chủ động học tập để thực hiện. 

Thuận lợi của nhà trường trong quá trình chuyển đổi số là đã có cơ sở quản lý dữ liệu ngành từ phần mềm quản lý học sinh, quản lý kết quả học tập, quản lý về đội ngũ. Do đó, sau tập huấn, cán bộ, giáo viên nhà trường được trang bị kiến thức, phương tiện để thực hiện việc quản lý cơ sở dữ liệu tốt hơn. 

Đồng thời, nhà trường cũng được trang bị phòng học thông minh với các thiết bị dạy học hiện đại, như bảng tương tác, hệ thống máy tính bảng cho học sinh, hệ thống biểu bảng, hệ thống thiết bị dạy học hiện đại…, giúp giáo viên có thể khai thác được tài nguyên dạy học đa dạng về âm thanh, hình ảnh, video, giúp giờ học sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn học sinh, đạt hiệu quả cao trong học tập. 

Đồng chí Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình về việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ngành GD&ĐT là đơn vị được ưu tiên của tỉnh trong việc thực hiện chuyển đổi số. Bám sát chủ trương của tỉnh, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của Sở. Đồng thời xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh, thông qua Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính để phối hợp triển khai đồng bộ dự kiến từ năm học 2021-2022.

Hiện nay, chuyển đổi số của ngành GD&ĐT hướng vào nhiệm vụ chính như xây dựng kế hoạch thuê dịch vụ CNTT để triển khai việc dạy học trực tuyến cho các cấp học, nhằm đa dạng hóa các hình thức dạy học. Xây dựng hệ thống dữ liệu toàn ngành, đồng bộ, liên thông dữ liệu của tỉnh và của Bộ GD&ĐT với trung tâm điều hành, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại Sở. 

Liên kết đến các Phòng Giáo dục cũng như các đơn vị trường học để kịp thời cập nhật dữ liệu của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phục vụ công tác quản lý, điều hành của ngành. Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng CNTT quản lý các nhà trường, hướng tới quản lý các trường học một cách đồng bộ, từ quản lý hồ sơ giáo án, lịch báo giảng, hệ thống kiểm tra đánh giá trực tuyến, hệ thống quản lý các trường … 

Trong kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi số, Sở GD&ĐT đã phối hợp với một số đơn vị cung cấp thử nghiệm ở 25 đơn vị trực thuộc, trường học các cấp học. Kết quả đạt được qua thử nghiệm chuyển đổi số rất khả quan, các modul đang áp dụng tại các nhà trường được đánh giá cao. Thuận lợi của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số, ngoài các dịch vụ thuê hạ tầng thông tin, ngành đủ điều kiện về nhân lực thực hiện, có thể áp dụng CNTT trong quản lý và thực hiện giảng dạy. 

Đồng thời, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các nhà trường được quan tâm đầu tư, là tỉnh có tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 thuộc tốp cao trong cả nước. Do đó, sau khi kết thúc năm học 2020-2021, hoàn thành các bước thử nghiệm, Sở GD&ĐT sẽ tổng kết, đánh giá và triển khai kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành từ đầu năm học 2021-2022.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
960096

Online 358

Hôm nay 3655

Hôm qua 0