Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ tạo ra môi trường giáo dục số, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường. Qua đó góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục thông minh, chất lượng tốt, chi phí thấp cho người dân.
Trường Tiểu học Khánh Thượng (Yên Mô) ứng dụng CNTT trong dạy học.
Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm được các cơ sở giáo dục trong ngành quan tâm đẩy mạnh. Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Thượng (huyện Yên Mô) cho biết: Ngay từ năm học 2021-2022, nhà trường đã nhận bàn giao và đưa vào sử dụng 16 phòng (gồm 3 phòng học, 13 phòng chức năng và phòng phục vụ học tập), các phòng đảm bảo cơ bản đủ các điều kiện dạy và học. Ngoài ra, nhà trường được sửa chữa 16 phòng học với tổng trị giá trên 26 tỷ đồng; nối mạng Internet và các thiết bị thông minh cho 20/20 phòng học...
Đồng chí Đinh Văn Khiêm, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Khánh cho biết: Phòng GDĐT huyện Yên Khánh đã chỉ đạo các trường ứng dụng CNTT, triển khai hiệu quả làm việc và tương tác trực tuyến, tổ chức hội nghị, hội thảo, dự giờ và tổ chức sinh hoạt chuyên môn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường qua hình thức trực tuyến, tập huấn giáo viên qua Internet. Hiện nay, 61/61 trường học trên địa bàn huyện Yên Khánh đã triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và dạy học trực tuyến, đổi mới phương thức quản trị cơ sở giáo dục và quản lý nhà nước về giáo dục.
Nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong toàn ngành, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch về phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình năm 2022, Sở GDĐT đã tích cực tham mưu, ban hành các văn bản về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; bố trí cán bộ chuyên trách, phụ trách về CNTT; tăng cường tham mưu đầu tư, nâng cấp hạ tầng về CNTT tại đơn vị; triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử; triển khai hệ thống camera giám sát tới các trường học; hệ thống quản lý trường học trực tuyến; ứng dụng CNTT đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích hợp CNTT vào từng môn học; kỹ năng xây dựng bài giảng e-Learning. Sở cũng đã ban hành kế hoạch về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Bên cạnh đó, chỉ đạo đổi mới, tăng cường cách thức tổ chức chuyên đề, bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến qua lớp học ảo trên hệ thống LMS (nền tảng học trực tuyến). Tổ chức các chuyên đề (cấp tỉnh, cấp huyện, cụm trường và trường) về nghiên cứu bài học, chuyên đề ngoại khóa, các hoạt động giáo dục và hoạt động trải nghiệm, lồng ghép các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, di sản văn hóa, giáo dục STEM bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, tập trung nhiều ở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Các trường trung học đã xây dựng hàng trăm bài giảng điện tử ở các môn học; xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến; các trường dạy học và ghi hình bài học theo môn học để sử dụng trong dạy học trực tuyến...
Trường THCS Yên Thắng (Yên Mô) thực hiện duyệt giáo án điện tử.
Việc chuyển đổi nhận thức, kỹ năng số được triển khai mạnh mẽ trong toàn ngành. Sở GDĐT đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh làm đơn vị đầu mối thực hiện, triển khai một số nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong ngành.
Năm 2022, Trung tâm đã đào tạo, cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản cho trên 1.172 người. Tổ chức, cử hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh tham gia các chương trình đào tạo về CNTT do Bộ GDĐT, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh tổ chức như: Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng CNTT cho giáo viên và cán bộ quản lý kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; các nền tảng học trực tuyến; kỹ năng khai thác sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý trong nhà trường; kỹ năng sử dụng phần mềm trình chiếu, phần mềm hỗ trợ soạn bài giảng tương tác, ...; bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong nền kinh tế số, xã hội số đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục trong ngành có máy tính kết nối mạng internet (mỗi đơn vị có từ 1 đến 4 đường truyền Internet sử dụng cáp quang tốc độ cao - FTTH hoặc Leased Line); 100% các đơn vị giáo dục trực thuộc Sở GDĐT có từ 1 đến 4 phòng máy với số lượng trung bình 25 máy/phòng, các máy tính đều được kết nối mạng Internet, mạng nội bộ; 90/151 trường mầm non trong tỉnh đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát; 100% trường THPT trong tỉnh đã trang bị hệ thống camera giám sát hỗ trợ công tác quản lý. 100% hệ thống mạng nội bộ của các cơ sở giáo dục đã được xây dựng; trên 90% cơ sở giáo dục đã có hệ thống mạng wifi. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu triển khai ứng dụng, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm phục vụ quản lý, dạy và học trong ngành. 100% các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã có cán bộ, giáo viên phụ trách hoặc kiêm nhiệm việc ứng dụng CNTT tại đơn vị; trên 90% cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên trong toàn ngành GDĐT đã được tập huấn, kiểm tra sử dụng tốt các phần mềm tin học văn phòng và được cấp các chứng chỉ, bằng cấp về tin học…
Đặc biệt, Sở GDĐT là đơn vị tiêu biểu trong xây dựng chính quyền số. 100% các thủ tục cải cách hành chính của Sở GDĐT thường xuyên được cập nhật đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử (website) của ngành, của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Các thủ tục hành chính (TTHC) được hướng dẫn chi tiết để các tổ chức, công dân thuận tiện trong việc liên hệ, giải quyết công việc. Sở đã niêm yết, cung cấp 86/86 dịch vụ công trực tuyến (trong đó: 8 TTHC mức độ 2; 1 TTHC mức độ 3; 77 TTHC mức độ 4. Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích giúp tổ chức và cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tránh xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu đối với người dân. Các dịch vụ công được cung cấp tại địa chỉ: http://dichvucong.ninhbinh.gov.vn. Kết quả năm 2022, tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đạt trên đến 83,36%.
100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được cấp tài khoản trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cán bộ thực hiện công việc hoàn toàn trên môi trường mạng; duy trì tốt việc sử dụng chữ ký số trong cơ quan Sở, triển khai sử dụng chữ ký số đối với đơn vị trực thuộc Sở. Văn bản chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục (trừ văn bản mật theo quy định) đến các cơ sở giáo dục trong ngành đều được gửi qua mạng, được cập nhật thường xuyên tại địa chỉ http://ninhbinh.edu.vn/.
Từ nhận thức đến hành động, ngành GDĐT đã và đang tạo chuyển biến rõ nét hướng tới xây dựng nền giáo dục số hiện đại, đáp ứng kịp xu hướng phát triển của xã hội hiện đại.
Theo baoninhbinh.org.vn
Online 70
Hôm nay 70
Hôm qua 0