Mô hình "Thôn/xóm thông minh" là một trong 4 tiêu chí của xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, đã và đang được các địa phương triển khai hoàn thiện nhằm đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số để phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Người dân xóm Gòi (xã Ninh An, Hoa Lư) tra cứu thông tin qua mã QR code tại Nhà văn hóa xóm.
Trở thành xóm thông minh đã đem đến nhiều thay đổi trong đời sống sinh hoạt của người dân xóm Gòi (xã Ninh An, huyện Hoa Lư). Bà Trần Thị Hiền, người dân trong xóm chia sẻ: Chiếc điện thoại mà trước kia mình tưởng chỉ để nghe, gọi, nhắn tin, lướt web thì nay đã hữu ích rất nhiều trong các giao dịch hàng ngày. Trước kia, mỗi khi đến kỳ thanh toán hóa đơn điện, nước là tôi lại tất tưởi thu xếp việc nhà để đến nộp trực tiếp. Có những tháng do bận việc hay quên là không nộp được, rất bất tiện. Giờ được hướng dẫn thanh toán trực tuyến, nên chỉ cần gõ lệnh chuyển khoản trên tài khoản internet banking là mọi giao dịch được giải quyết nhanh gọn tại nhà… Cũng từ chiếc điện thoại thông minh mà tôi cũng như nhiều bà con trong xóm đã tiếp cận được các tiện ích: quét mã QR, sử dụng tài khoản VneID, VssID… để sử dụng trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Ông Hoàng Đình Hiền, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Gòi cho biết thêm: Qua công tác tuyên truyền, người dân trong xóm đều nhận thức rõ sự cần thiết phải xây dựng thôn/xóm thông minh và nâng cao trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân trong triển khai thực hiện.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư, chuyển giao công nghệ của xã, huyện, Sở Thông tin và Truyền thông, xóm Gòi đã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng, trong đó tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng nòng cốt.
Máy tính kết nối Internet đặt tại Nhà văn hóa xóm thuận tiện cho việc hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính nếu không có điện thoại thông minh.
Tận dụng các nền tảng mạng xã hội, các nhóm Zalo, Facebook của chi bộ, chính quyền, các đoàn thể của xóm được thành lập đã phát huy hiệu quả trong việc thông tin, tuyên truyền, triển khai nhanh chóng, kịp thời các nhiệm vụ, tình hình hoạt động tới cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như công tác tuyên truyền của xóm một cách nhanh chóng, thuận tiện, không mất nhiều thời gian.
Sau hơn 1 năm triển khai, xóm Gòi đã hoàn thành 5/5 tiêu chí của thôn/xóm thông minh: Nhà văn hóa xóm đã được lắp đặt internet tích hợp mạng Wifi miễn phí; trên 80% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy vi tính kết nối internet; số nhân khẩu trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 70%...
Tại xóm thông minh 4B (xã Khánh Nhạc, Yên Khánh), nhà văn hóa xóm đã trở thành địa điểm quen thuộc để người dân tìm đến được giải đáp, hướng dẫn về sử dụng điện thoại thông minh tra cứu thông tin, thủ tục hành chính hay sử dụng các tiện ích trong giao dịch… Ông Bùi Ngọc Hòa, Trưởng xóm 4B cho biết: Trước đây, mỗi khi có thông tin gì liên quan đến "việc làng, việc nước", trưởng xóm phải thông báo trên loa truyền thanh hoặc tìm đến từng hộ dân để báo tin. Từ hơn 2 năm trở lại đây, khi trở thành xóm thông minh, mọi thông tin được tuyên truyền, phổ biến đến người dân nhanh chóng thông qua nền tảng mạng xã hội là nhóm Zalo. Các nhiệm vụ, công việc chung của xóm được triển khai kịp thời, thuận lợi cũng từ đó.
Việc triển khai xây dựng xóm thông minh còn góp phần không nhỏ vào sự đổi thay nhiều mặt đời sống của người dân trong thôn. Với nòng cốt là tổ công nghệ số cộng đồng gồm các thành viên là đại diện các hội, đoàn thể, các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng, sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng các tiện ích… được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Thanh toán bằng việc quét mã QR tại một cửa hàng tạp hóa ở xóm 4B (xã Khánh Nhạc, Yên Khánh).
Về xóm 4B bây giờ, các hình ảnh về xóm thông minh hiện hữu khắp các lĩnh vực: hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 4G/5G bao phủ đến các gia đình; có các nhóm/tổ công nghệ số cộng đồng tương tác, hỗ trợ nhau trong thôn; 91,7% người dân trong thôn sử dụng điện thoại thông minh; 86,5% người dân sử dụng tài khoản ngân hàng; cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, mã QR code được trang bị tại nhiều cửa hàng tạp hóa… Đến nay, người dân trong xóm đã được trang bị đầy đủ kiến thức để dễ dàng tiếp cận với các nền tảng số đem lại lợi ích thiết thực, thuận lợi trong đời sống.
Ông Đinh Văn Ngân, chủ cửa hàng tạp hóa trong xóm cho biết: Nếu như trước kia, việc giao dịch mua bán tại cửa hàng của gia đình tôi chủ yếu là sử dụng tiền mặt thì nay phương thức thanh toán đã thay đổi nhiều. Gia đình tôi được trang bị mã QR code của ngân hàng để thuận tiện cho khách hàng thanh toán không sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, do được tuyên truyền, hướng dẫn nên nhiều khách hàng trong xóm đã sử dụng thành thạo việc thanh toán bằng nhiều hình thức: chuyển khoản, quét mã QR… Các lần thanh toán được lưu trong hệ thống trên điện thoại nên không lo nhầm lẫn nếu vào thời điểm đông khách mua hàng. Chưa kể, thanh toán online như này chẳng phải lo tình trạng tiền giả trà trộn…
Điều dễ nhận thấy là việc xây dựng thôn/xóm thông minh đã từng bước làm thay đổi bộ mặt, thói quen sinh hoạt trong đời sống nhân dân ở các thôn, xóm đã triển khai, giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết, quan tâm cài đặt và sử dụng dịch vụ số để phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn. Đồng thời, việc xây dựng thôn, xóm thông minh cũng góp phần để các xã hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu và hướng tới xây dựng xã thông minh.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Online 201
Hôm nay 4512
Hôm qua 0