Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Phát triển công dân số để hình thành xã hội số

Thứ năm, 15/02/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Với sự phát triển của xã hội, ngày càng có nhiều người sử dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp, tham gia vào các hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh… trên nền tảng kỹ thuật số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Một thế hệ công dân số đang dần hình thành để phù hợp với sự phát triển của thời đại kinh tế số, xã hội số.

Phát triển công dân số để hình thành xã hội số

                                                         Thanh toán qua app ngày càng phổ biến tại các siêu thị.

Khởi nghiệp với sản phẩm thịt chưng mắm tép, chị Nguyễn Thị Lệ Thanh, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình) cho rằng, việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số có vai trò vô cùng quan trọng. "Từ sau dịch COVID-19, mô hình kinh doanh online nở rộ, chủ thể kinh doanh nếu không bắt kịp xu hướng này sẽ khó có thể tồn tại. 

Hiện sản phẩm của chúng tôi được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktokshop… cũng như xuất hiện trong các phiên livestream sản phẩm OCOP. Khoảng 80% doanh số đến từ việc mua bán trực tuyến. Tại cửa hàng trưng bày sản phẩm, chúng tôi quản lý doanh thu qua phần mềm bán hàng KiotViet, cung cấp mã quét QR để khách thanh toán"-chị Thanh cho biết. 

Không chỉ chị Lệ Thanh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đẩy mạnh việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tích cực quảng bá hình ảnh, thương hiệu thông qua các nền tảng mạng xã hội phổ biến. Từ đó, việc tiếp cận khách hàng trở nên đa dạng và rộng mở hơn, doanh thu vì thế cũng được cải thiện đáng kể. Giao dịch thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên quen thuộc, len lỏi vào đời sống người dân từ thành thị đến nông thôn. Đây chính là một trong những bước tiến lớn để bắt nhịp với xu thế thời đại số. 

Phát triển công dân số để hình thành xã hội số

Chị Nguyễn Thị Lệ Thanh (bên phải) và nhân viên kiểm tra thông tin sản phẩm qua máy quét mã vạch.

 

Bà Phạm Thị Na, tiểu thương buôn bán hoa quả tại chợ Vệ (xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh) cho biết: "Thời gian đầu khi thực hiện thanh toán qua tài khoản, tôi khá lúng túng. Nhưng giờ quen rồi lại thấy thích, vì giao dịch điện tử rất thuận tiện. Nhập hàng, bán hàng, ship hàng… đều thanh toán qua chuyển khoản, tôi đỡ mất công đi lại, không cần phải gặp mặt trực tiếp vẫn bán được hàng. Nhiều khi khách quen đến mua hàng, không thấy chủ ở đó chỉ cần gọi điện hỏi giá, tự cân, tự chuyển khoản theo mã QR đặt tại quầy". 

Hiện nay, nhiều cửa hàng thời trang, tạp hóa, quán cafe, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán qua tài khoản ngân hàng, máy POS, hoặc ví điện tử như MoMo, ZaloPay, VNPay… Chị Phạm Khánh Huyền, phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: "Hầu như tôi trao đổi công việc, liên lạc với bạn bè qua các ứng dụng như Zalo, Facebook, mua sắm trên mạng vì đa dạng mẫu mã, nhiều chương trình giảm giá. 

Gần 3 năm nay, việc lựa chọn các hình thức thanh toán điện tử đã trở thành thói quen của tôi. Đi đâu hay đang làm việc gì, không cần mang tiền mặt hay đến tận nơi, chỉ với điện thoại di động, tôi đã có thể thanh toán mọi khoản tiền như điện, nước, học phí hay mua sắm, giao dịch khác". 

Nằm trong nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) là tiện ích cần thiết mà người dân phải có ngoài căn cước công dân (CCCD). Khác với CCCD, tài khoản ĐDĐT sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử. Người dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ khác bằng tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID. Từ đó, hạn chế tối đa giấy tờ phải mang theo khi thực hiện giao dịch hành chính. 

Ông Vũ Quốc Tuấn, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: "Trước đây, khi đi có việc, tôi luôn phải mang theo nhiều giấy tờ, nếu lỡ quên hoặc làm rơi thì phải làm lại rất mất thời gian. Giờ thì chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt, kích hoạt VNeID và tích hợp các thông tin vào tài khoản là thay thế thẻ căn cước cùng các giấy tờ cá nhân khác, như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế..." 

Theo thống kê từ Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 12/2023, tỷ lệ người dân trong tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%; tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt khoảng 89,1%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 90%. 

Toàn tỉnh thu nhận 685.185 tài khoản, kích hoạt 524.480 tài khoản định danh điện tử, vượt chỉ tiêu Bộ Thông tin và Truyền thông giao (116,8%). Người dân trong tỉnh bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử... nhằm phục vụ công việc và cuộc sống.

Trong thời đại 4.0, công dân số được xem là yếu tố nền tảng cho sự phát triển xã hội số, đồng thời quyết định sự thành công của hành trình chuyển đổi số. Dù còn những bất cập, khó khăn, song với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong triển khai các nhóm tiện ích nhằm mục tiêu hình thành công dân số, đặc biệt là sự tích cực vào cuộc, chủ động của người dân, Ninh Bình ngày càng có nhiều công dân số có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp, tham gia vào các hoạt động xã hội, kinh doanh… trên nền tảng kỹ thuật số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
960338

Online 380

Hôm nay 3897

Hôm qua 0