Tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Yên Khánh: Gieo niềm tin cho người yếu thế
Trải qua 20 năm, Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Yên Khánh đã không ngừng trưởng thành và phát triển, thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện thăm mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
Về Yên Khánh - huyện đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh, chúng tôi cảm nhận rõ sự chuyển mình của nơi đây. Sự khởi sắc đó có sự đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng chính sách trong 20 năm qua.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Khánh Phạm Mạnh Yên cho biết: Từ 2 chương trình nhận bàn giao ban đầu (cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm), đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Yên Khánh đang triển khai thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách. Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các ngành, sự phối kết hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị-xã hội có liên quan, các chương trình tín dụng đều được triển khai kịp thời, chất lượng, đạt hiệu quả cả về kinh tế và xã hội.
Kết quả trong 20 năm, Ngân hàng CSXH huyện Yên Khánh đã hỗ trợ vốn cho trên 76 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số tiền đạt hơn 1.303 tỷ đồng. Trong đó, hơn 26 nghìn lượt hộ nghèo, 5 nghìn lượt hộ cận nghèo, gần 3 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo đã có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.
Nguồn vốn cũng giúp trên 4 nghìn lao động có công ăn việc làm ổn định; gần 14 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 53 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 100 căn nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Đặc biệt, những khó khăn từ đại dịch COVID-19 trên địa bàn huyện cũng đang dần được khắc phục cùng với việc triển khai kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Khánh đã giải ngân chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc trên 13,5 tỷ đồng; chương trình cho vay nhà ở xã hội 4 tỷ đồng; chương trình cho vay đối với học sinh sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập cho vay 2,5 tỷ đồng/250 lượt khách hàng được vay vốn; chương trình Cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã giải ngân 12 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với nguồn vốn 960 triệu đồng.
Hoạt động giao dịch tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Khánh.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11 đã thắp lên nhiệt huyết lao động và ước mơ đổi đời của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện. Vốn là thợ cơ khí lành nghề, trước đây mỗi tháng anh Bùi Xuân Sang ở xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh có thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Nhưng từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, anh Sang bị mất việc làm. Đầu năm 2022 nhận thấy nhu cầu của người dân về chơi các loại hoa hồng cổ, hoa giấy, mẫu đơn… ngày càng cao, anh bàn với vợ mở rộng diện tích trồng hoa. Được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi chương trình giải quyết việc làm, anh đã đầu tư cải tạo khu vườn, mua cây giống, phân bón…
Anh Sang thông tin: Trước đây diện tích vườn nhà rất rộng, tôi chỉ trồng một số loại rau, củ theo phương thức truyền thống và trồng hoa quy mô nhỏ, thu nhập mang lại không đáng là bao. Được vay 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH, tôi đã mạnh dạn đầu tư mở rộng vườn và tái đầu tư. Hiện các loại cây hoa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến cuối năm gia đình tôi sẽ có thu nhập từ mô hình trồng hoa cảnh.
Trong 20 năm qua, tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Yên Khánh không ngừng phát triển đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nhất là khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách càng thêm hiệu quả.
Hoạt động của Ngân hàng CSXH huyện luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm huy động, tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 đến nay, hàng năm UBND huyện đều bố trí nguồn vốn ủy thác sang cho Ngân hàng CSXH huyện, nâng tổng số vốn ngân sách huyện ủy thác lên 4,2 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Yên Khánh trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước với thực tiễn tình hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Không những thế, dòng vốn tín dụng chính sách đã trở thành trụ cột hỗ trợ trực tiếp người dân trên địa bàn huyện giảm nghèo, phát triển kinh tế. Với tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách đến nay đạt 429.791 triệu đồng, với 15.105 khách hàng còn dư nợ, tăng 408.327 triệu đồng và gấp 19,4 lần so với khi mới thành lập, đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện Yên Khánh từ 10,38% (năm 2001) giảm xuống còn 1,92% (cuối năm 2021).
Nguồn: Báo Ninh Bình
Online 169
Hôm nay 875
Hôm qua 0