Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ Nhân dân hiệu quả. Nền hành chính quản lý từng bước được chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ đã mang lại những thay đổi tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cán bộ, công chức bộ phận "Một cửa" xã Ninh Giang (Hoa Lư) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Ninh Bình đã chủ động nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số nhằm xây dựng một chính quyền hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đồng chí Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian qua, tỉnh quan tâm xây dựng, phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu số; các ứng dụng dùng chung quy mô cấp tỉnh được khai thác, vận hành ổn định, hiệu quả, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng tiếp tục được đầu tư, triển khai toàn diện theo mô hình 4 lớp, đảm bảo an toàn an ninh thông tin (tỉnh Ninh Bình chưa để xảy ra sự cố mất an toàn, an ninh thông tin); đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo tiếp tục duy trì, phát triển ứng dụng Zalo OA để nhắn tin, quét mã QR thông báo trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; triển khai dịch vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến thông qua một số ngân hàng có chi nhánh trên địa bàn tỉnh để tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, 100% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; số tài khoản được mở (active) trên các sàn thương mại điện tử (postmart.vn và voso.vn) là 110.162 tài khoản với 1.840 sản phẩm đưa lên sàn và 24.699 lượt giao dịch, đạt giá trị trên 5,2 tỷ đồng.
Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước tham gia cài đặt và sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử... và phục vụ công việc và cuộc sống.
Theo thống kê, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 90,6% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023); tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 71,8% (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023); tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet đạt 90%. 90% người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám, chữa bệnh và theo dõi sức khỏe, từng bước thay thế y bạ giấy. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt 40%. Tỷ trọng thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 50%.
Hài lòng với cách giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã Ninh Giang (Hoa Lư), bà Tống Thị Nhâm ở thôn Phong Phú cho biết: Tôi đến đây để làm thủ tục hành chính phân chia tài sản của gia đình. Tại đây, tôi được các công chức tận tình hướng dẫn thực hiện kê khai các thông tin trong hồ sơ, biểu mẫu, nhất là kê khai thủ tục trên cổng dịch vụ công, vì vậy công việc được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả. Kết quả giải quyết đều có phiếu hẹn, nên tôi rất yên tâm và chủ động hơn trong công việc. Đây là sự thay đổi tích cực của cơ quan công quyền, tạo sự đồng thuận không chỉ trong mỗi người dân mà thuận lợi cho chính cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ giải quyết công việc.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số đã hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị; tạo môi trường làm việc hiện đại, tăng năng suất lao động. Ý thức trách nhiệm trong tổ chức thực hiện CCHC của các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục có chuyển biến tích cực; kỷ luật, kỷ cương CCHC tiếp tục được tăng cường, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, Chỉ số cải cách hành chính của Ninh Bình xếp thứ 4 trong các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2022 và tăng 9 bậc so với năm 2021.
Tăng đối thoại, giảm bức xúc
Để giải quyết tốt những yêu cầu, mong mỏi của người dân đối với các cấp chính quyền, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân nhằm giải quyết dứt điểm các đơn thư, đề nghị của công dân.
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước đã quan tâm trực tiếp chỉ đạo, điều hành, chủ động bố trí thời gian tiếp công dân định kỳ, thực hiện tiếp công dân đột xuất để đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân; phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn có liên quan để giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp; chú trọng giải quyết các vụ việc mới phát sinh; tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật để hạn chế tái khiếu; lấy hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết KNTC là tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác.
Thông qua công tác tiếp công dân của Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, 100% vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân được hướng dẫn và xử lý theo quy định; hầu hết công dân đều đồng tình với kết quả tiếp công dân; nhiều kiến nghị, phản ánh của công dân đã được giải quyết và tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời, dứt điểm, hạn chế thấp nhất tình trạng công dân tụ tập đông người đeo bám khiếu kiện.
Thực hiện Quy chế số 1248-QĐ/TU, ngày 15/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định về việc lãnh đạo các cấp thực hiện đối thoại trực tiếp với Nhân dân, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tham gia nhiều buổi đối thoại trực tiếp qua các diễn đàn đã để lắng nghe ý kiến phản ánh của Nhân dân. Đối với cấp huyện, người đứng đầu cấp ủy đã chủ động tham gia đối thoại ở nhiều diễn đàn như "Thanh niên với giải quyết việc làm", "Thanh niên với sáng tạo và khởi nghiệp"... Trong 10 năm qua, người đứng đầu cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp đã tổ chức 1.962 cuộc đối thoại, giải quyết 791 kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Thông qua việc tiếp dân, đối thoại với Nhân dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã nắm bắt, tiếp nhận và giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, từ đó hạn chế những bức xúc trong Nhân dân, giảm bớt tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tồn đọng khéo dài; góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa phương.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Online 192
Hôm nay 7706
Hôm qua 0