Đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) tham luận tại hội trường. Ảnh: Đình Nam
Trong 2 ngày thảo luận tại hội trường (26 và 27/10), Quốc hội đã tập trung thảo luận các nội dung: Kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Đã có 88 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 3 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và 5 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã đóng góp ý kiến xung quanh vấn đề cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức và biên chế.
Theo đó, đại biểu cho rằng: Việc tiếp tục cải cách hành chính, tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế là một chủ trương hết sức đúng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, đặc biệt là khâu thông tin và truyền thông thực hiện có phần chưa được chặt chẽ, chưa đầy đủ, dẫn đến có những việc hiểu lầm.
Đại biểu dẫn chứng: Chi thường xuyên trong ngân sách Nhà nước tới gần 70% nhưng chi thường xuyên lại có tới 13 nội dung chi, trong đó nội dung chi cho bộ máy quản lý hành chính Nhà nước, công tác Đảng, đoàn thể và một số Hội chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số chi thường xuyên, còn lại là chi cho sự nghiệp quốc phòng, an ninh, sự nghiệp giáo dục, y tế, đảm bảo xã hội và một loạt những nội dung khác.
Tuy nhiên, khi nêu vào những vấn đề về sự cần thiết phải tinh giản bộ máy, biên chế lại nói không đầy đủ làm cho người dân đang nhận thức bộ máy chúng ta là một gánh nặng trong ngân sách. Việc chi cho sự nghiệp y tế, chi cho sự nghiệp giáo dục đó chính là Nhà nước đang bao cấp cho người dân trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục. Nếu không chi điều đó, không chi bao cấp đó thì chúng ta đi bệnh viện, chúng ta đi học chúng ta phải đóng tiền như các đơn vị khu vực tư nhân, rõ ràng việc chi của Nhà nước là chi cho cả người dân chứ không chỉ vì cho một bộ máy.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo công tác truyền thông đầy đủ để người dân có thống nhất trong nhận thức, tránh tình trạng khi bàn về bộ máy cải cách, tinh giản, bị thế lực thù địch xuyên tạc dẫn đến người dân nhận thức không đúng"- đại biểu Bùi Văn Phương nói.
Cũng theo đại biểu: về tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế, Nghị quyết Trung ương nói rất rõ là cần thiết nhưng đã chỉ đạo cụ thể là phải tiến hành thận trọng, có bước đi thích hợp, cái gì rõ thì làm ngay, cái gì chưa rõ thì thí điểm, cái gì còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu. "Tuy nhiên, quá trình thực hiện ở một số nơi có phần lúng túng, dường như đang chạy theo hướng chủ yếu là tinh giản, ai làm được nhiều tinh giản, sáp nhập thì coi đó là thành tích. Việc này đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo chặt chẽ vì đã có nhiều bài học, thậm chí là trả giá về việc sáp nhập. Đề nghị Chính phủ phải quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, phải tuân thủ đúng về phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý chỉ đạo điều hành của Nhà nước"- đại biểu Bùi Văn Phương nhấn mạnh.
Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội. Ảnh: TTXVN
Cũng trong 2 ngày thảo luận, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính phản biện khá cao, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và ghi nhận các kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, về cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc miền núi trong 3 năm qua.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng. Chỉ ra những hạn chế, các đại biểu mong muốn Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương cần tích cực khắc phục những tồn tại, bất cập, yếu kém; cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan dân cử, mặt trận, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân; phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia, tinh giản bộ máy và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, tăng cường phân cấp cho các địa phương.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ bám sát nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Quốc hội, thực hiện ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Đảm bảo tăng trưởng bền vững, có giải pháp khắc phục các thách thức của xu hướng bảo hộ và chiến tranh thương mại của một số quốc gia. Cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng nền kinh tế tư nhân từ khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế. Giữ gìn bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc, di sản văn hóa...
Mai Lan
Theo baoninhbinh.org.vn
Online 38
Hôm nay 416
Hôm qua 0