Cải cách hành chính: Cần sự đồng thuận, tham gia của doanh nghiệp
Lần đầu tiên, Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2018 đã được Văn phòng Chính phủ công bố, qua đó xác định được dư địa cải cách cho tám nhóm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp gồm: Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh; Thuế; Đầu tư; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Hải quan; Đất đai; Môi trường và Xây dựng. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Mai Tiến Dũng (ảnh) cho rằng, phải đánh giá được cả những chi phí ngoài luồng để “trôi” được thủ tục như “bao thư, thiệp chúc mừng” lót tay thì mới cắt giảm được thêm nhiều các gánh nặng cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng kỳ vọng gì vào việc công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2018?
Chúng ta đã có nhiều chỉ số để đánh giá việc cải cách, thêm chỉ số này sẽ kỳ vọng tạo ra những bộ chỉ số công khai, minh bạch để thực hiện mục tiêu Thủ tướng giao về xây dựng Chính phủ phục vụ, hướng tới người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh những chỉ số “đo đếm” về năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp như PCI, PAPI… thì APCI sẽ tạo ra những tiền đề để đánh giá thực chất hơn với những con số cụ thể tính ra được bằng tiền, bằng chi phí của doanh nghiệp hoạt động trên thị trường.
Từ đó, mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước đều sẽ có sự kiểm soát và giải trình, đặc biệt là với những cán bộ liên quan trực tiếp đến việc thực thi thủ tục hành chính. Báo cáo Chỉ số APCI 2018 là báo cáo mang tính cơ sở và sẽ được sử dụng làm căn cứ cho Báo cáo Chỉ số APCI của các năm tiếp theo để so sánh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính từ góc độ doanh nghiệp, giúp Chính phủ có cái nhìn tổng quan về gánh nặng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp và từ đó đưa ra các quyết sách phù hợp nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ có thêm một công cụ nữa để so sánh nỗ lực cải cách của từng địa phương, bộ ngành và từ đó tạo sức ép và cạnh tranh trong cải cách giữa các đơn vị.
Quan trọng nhất, bản báo cáo đã chỉ rõ, việc cải cách thủ tục hành chính không phải chỉ của riêng các cơ quan quản lý nhà nước mà còn có sự tham gia và đồng thuận của doanh nghiệp và người dân, giúp cho việc đánh giá minh bạch, rõ ràng và công tâm hơn.
Thông qua APCI 2018, cộng đồng doanh nghiệp đã trực tiếp có ý kiến phản hồi về những nỗ lực cải cách của 8 lĩnh vực liên quan mật thiết tới hoạt động kinh doanh. Để đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu và thời gian cụ thể là sẽ rà soát và cắt giảm 50% về điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Cho đến nay, về cơ bản các Bộ đã trình Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ. Mục tiêu tiếp theo là có sự tham gia của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, vì cải cách phải đồng bộ từ nhiều phía, và ngoài việc cắt giảm các thủ tục hành chính chúng ta phải đổi mới các hình thức thủ tục hành chính.
Đây là những kỳ vọng rất lớn, thay đổi được cách nhìn nhận của chúng ta về cải cách, tạo ra sự quyết liệt đồng bộ và công khai đánh giá phải bằng cách lượng hoá cụ thể. Tiếc là lần đầu, báo cáo chưa đánh giá được những chi phí phi chính thức mà doanh nghiệp phải trả khi tiếp cận làm thủ tục hành chính. Làm sao phải đánh giá được cả những chi phí ngoài luồng để “trôi” được thủ tục như “bao thư, thiệp chúc mừng” lót tay thì mới cắt giảm được thêm nhiều các gánh nặng cho doanh nghiệp.
Vậy để thực hiện được những mục tiêu trên thì theo Bộ trưởng chúng ta phải làm những gì?
Hiện nay, chi phí cho thủ tục hành chính bao gồm cả chi phí về thời gian, tiền của, cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, chi phí chính thức và không chính thức. Theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp thì các chi phí này còn rất cao. Doanh nghiệp, người dân khi làm thủ tục hành chính còn mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần, với nhiều loại chi phí. Vì thế, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là Hội đồng tư vấn về cải cách thủ tục hành chính phải giúp Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt việc này.
Ngay trong năm 2018, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã liên tục hoạt động, đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe các hiệp hội, doanh nghiệp, các ngành hàng để nắm bắt được thông tin từ nhiều hướng. Theo đó, chúng tôi lắng nghe cả doanh nghiệp, người dân chứ không chỉ lắng nghe từ phía cơ quan nhà nước với nhau. Bản thân trong Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng có sự tham gia của rất nhiều đại diện các hiệp hội doanh nghiệp để tạo ra một báo cáo hết sức khách quan. Từ đó, việc cắt giảm được thời gian, chi phí chính thức và không chính thức sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.
Khi thực hiện những việc này chắc chắn sẽ có va chạm nhưng chúng ta phải chấp nhận va chạm, không muốn làm cũng phải làm. Trong cải cách thì không thể không có người phản đối, vì cải cách mà không có người phản đối là cải cách tồi. Nhưng chúng ta phải quyết tâm bỏ cái cũ để thay bằng cái tiến bộ, phải thuyết phục, động viên, chia sẻ với nhau. Trong quá trình làm có vấp là bình thường, nhưng không vì bất cứ lý do gì để ràng buộc việc cải cách.
Nếu không ép từ trên xuống thì không ai chịu cải cách vì thực sự không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình trong thực thi công vụ.
Nếu làm tốt quá trình cải cách thủ tục hành chính thì người dân và doanh nghiệp sẽ nhận được lợi gì thưa ông?
Nếu làm tốt, công khai tốt thì các chi phí sẽ giảm, cả chi phí về thời gian và những khoản như bao thư lót tay, bởi chúng ta sẽ giám sát được. Thực tế khi đi kiểm tra tại các cơ quan áp dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến, người đi làm thủ tục hành chính “có kẹp phong bì cũng không biết đưa cho ai, vì không biết ai giải quyết thủ tục của mình”. Do đó, nếu công khai thì các khoản "lót tay" sẽ không còn, chi phí về thời gian cũng giảm xuống.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo điện tử Hải quan
Online 152
Hôm nay 837
Hôm qua 0