Hà Nội: Thực hiện thí điểm các mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo
Đó là một trong những nội dung thành phố sẽ thực hiện trong "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018".
Ngày 26-2, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND triển khai thực hiện "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018".
Theo đó, thành phố tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, đối với cơ quan hành chính giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND thành phố và tổ chức thực hiện các nội dung: phối hợp BTC Thành ủy nghiên cứu xây dựng Đề án triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị theo Kết luận số 22-KL/TW ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố; rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành.
Bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan chuyên môn của thành phố theo nguyên tắc “Một việc, một đầu mối xuyên suốt”, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ; đôn đốc các đơn vị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy trình giải quyết công việc, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Xây dựng Đề án thí điểm thi tuyển một số chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của UBND thành phố, hoàn thành Đề án trước 30-9-2018; triển khai Đề án trước 31-12-2018; thực hiện thí điểm các mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với đặc điểm, tình hình của thành phố; thực hiện nghiêm các quy định về số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa.
Đối với các tổ chức sự nghiệp công, theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND thành phố và tổ chức thực hiện các nội dung công việc: Tổ chức thực hiện hiệu quả các phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp theo Kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực. Quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách thành phố bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khối các đơn vị sự nghiệp công lập. Đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND thành phố và tổ chức thực hiện các nội dung: Rà soát, tổng hợp báo cáo số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển sang cơ chế tự chủ giai đoạn 2018-2021 phù hợp với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII (hoàn thành trong quý I-2018); số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện chuyển sang công ty cổ phần (hoàn thành trong quý II-2018); hoàn thiện cơ chế tài chính, tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành, lĩnh vực trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công.
Đối với các tổ chức tự quản tại cấp xã, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND thành phố việc tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện mô hình thôn, tổ dân phố tại xã, phường, thị trấn: Thực hiện rà soát số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố (hoàn thành trong quý II-2018); tiếp tục thực hiện việc sắp xếp; tăng cường kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; nghiên cứu thực hiện việc khoán chi phụ cấp, hỗ trợ phù hợp để tăng tính trách nhiệm cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), thực hiện theo kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch CCHC năm 2018 của thành phố Hà Nội. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến cơ sở có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao trên tinh thần “lấy sự hài lòng của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ; chú trọng kiểm tra chuyên đề, đột xuất; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xây dựng đô thị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng; bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; của các cấp ủy Đảng, vai trò của HĐND các cấp, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của cộng đồng đối với hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền thành phố.
Theo Báo Hà Nội mới
Online 161
Hôm nay 970
Hôm qua 0