Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Lành mạnh hoá mạng xã hội Tiktok – Bài 2: Tăng trưởng nhanh và nguy cơ tiềm ẩn nhiều hệ lụy của Tiktok

Chủ nhật, 09/07/2023

Chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam từ cuối tháng 4-2019 và chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Nam đã có khoảng 49,9 triệu người dùng Tiktok, xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia sử dụng nền tảng mạng xã hội này nhiều nhất trên thế giới. Sự phát triển quá nhanh của Tiktok trong bối cảnh nền tảng này chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.

Tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán

Tính đến tháng 6-2021, số lượng người dùng của Tiktok đã vượt ngưỡng 240 triệu người tại Đông Nam Á, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, có đến khoảng 800 triệu video được tạo ra bởi cộng đồng sáng tạo Đông Nam Á, đạt hơn một nghìn tỷ lượt xem video trong tháng 6.

Tại nhiều quốc gia và khu vực, Tiktok đã trở thành nền có thời gian sử dụng của người dùng cao nhất. Thống kê cho thấy người dùng Tiktok ở Mỹ dành trung bình 95 phút cho video ngắn mỗi ngày.

Nhiều thông tin bóc phốt, đấu tố trên Tiktok. Nguồn: Bộ TT&TT.
                                  Nhiều thông tin bóc phốt, đấu tố trên Tiktok. Nguồn: Bộ TT&TT.

Hệ lụy của việc Tiktok tăng trưởng nhanh, phát triển nhiều clip ngắn thu hút người sử dụng đã và đang tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội…Mới đây, thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, liên quan đến vụ các đối tượng dùng súng tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã), huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 12-6 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố phát hiện, xử lý hơn 100 trường hợp đăng tải các thông tin xấu, độc liên quan đến vụ việc.

Các trường hợp vi phạm chủ yếu là chia sẻ lại thông tin từ các trang Facebook, Tiktok… của các cá nhân với mục đích tương tác trên mạng xã hội. Do đó, sau khi được giải thích, các trường hợp đã nhận ra hành vi sai phạm, tự gỡ bỏ bài đăng và viết cam kết không tái phạm.

Trước đó, ngày 16-5, trên  mạng xã hội Facebook và Tiktok lan truyền clip với hình ảnh 2 người “tắm tiên” ở hồ Hoàn Kiếm. Ngay khi đoạn clip được chia sẻ, cộng đồng mạng tỏ thái độ bức xúc, chỉ trích hành vi phản cảm này và đề nghị cơ quan chức năng có hình thức xử lý phù hợp.

Hay ngày 18-2, đại diện Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 (Đội 2), Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt với một nữ tài xế vừa lái ô tô, vừa dùng điện thoại để quay Tiktok. Theo đó, ngày 10-2 vừa qua, mạng xã hội đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh nữ tài xế ô tô nhãn hiệu Mercedes vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại gây nguy hiểm cho người tham giao thông. Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 đã tiến hành xác minh và mời nữ tài xế tên L.H.N. (sinh năm 1996, trú tại Văn Giang, Hưng Yên) lên làm việc. Tại cơ quan Công an, chị L.H.N. thừa nhận mình là người xuất hiện trong clip nói trên.

“Sau khi clip được đăng tải, tôi nhận được dư luận trái chiều nên tự xóa bỏ. Đến nay, tôi đã nhận ra lỗi sai của mình, gây nguy hiểm cho người tham giao thông khác nên xin rút kinh nghiệm và không tái phạm”, chị L.H.N. cho biết.

Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 đã ra quyết định xử phạt tài xế L.H.N. với các lỗi: không thắt dây an toàn khi điều khiển xe trên đường, dùng tay sử dụng điện thoại khi đang lái xe trên đường. Với các lỗi trên, tài xế N. bị xử phạt 3,4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng…

Tiktok đăng tin giả, nội dung nhảm nhí, phản cảm. Nguồn: Bộ TT&TT.
                                     Tiktok đăng tin giả, nội dung nhảm nhí, phản cảm. Nguồn: Bộ TT&TT.

Trong hàng trăm, thậm chí hàng vạn thông tin trên mạng xã hội, người dùng khó có thể nhận biết được các thông tin sai sự thật, thông tin giả. Hằng ngày, hằng giờ, loại thông tin xấu, độc này vẫn xuất hiện trên mạng xã hội. Có thể là do các đối tượng tung ra nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc, tăng lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội, thuận lợi cho việc bán hàng online.

Cũng không ít trường hợp đăng tải, chia sẻ các thông tin sai lệch do chưa được kiểm chứng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức không đầy đủ…, chỉ đến khi bị cơ quan chức năng triệu tập lên làm việc mới nhận ra hành vi sai trái. Cũng có không ít trường hợp là do các đối tượng tung ra với mục đích xấu gây hoang mang dư luận, chống phá Đảng, Nhà nước… Tất cả các hành vi sai phạm đó đã và sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thanh tra toàn diện Tiktok Việt Nam

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ (TT&TT) cũng đã chỉ ra hàng loạt các vi phạm của Tiktok. Trong đó nhấn mạnh tới sự phát triển nhanh chóng của Tiktok không đi đôi với trách nhiệm quản lý giữ gìn nền tảng an toàn, lành mạnh với người dùng.

Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do để chấn chỉnh hoạt động của nền tảng xuyên biên giới này, Bộ TT&TT tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam.

 
 
Nội dung độc hại, nguy hiểm với trẻ em. Nguồn: Bộ TT&TT.
                                        Nội dung độc hại, nguy hiểm với trẻ em. Nguồn: Bộ TT&TT.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố một số sai phạm của TikTok tại Việt Nam, trong đó gồm việc Tiktok chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em. Tiktok dùng thuật toán phân phối tự động để tạo xu hướng và phát tán nội dung nhằm “câu view” thu hút nội dung, bất chấp sự phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

“Hiện tại, Tiktok đã mở thêm mảng thương mại điện tử, dẫn đến vi phạm thứ ba là nền tảng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc”, Lê Quang Tự Do cho biết thêm.

Theo đánh giá của Bộ TT&TT, Tiktok chưa có biện pháp quản lý hiệu quả đối với người làm nội dung có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội (được gọi là “idol”). Đồng thời, Tiktok để nội dung vi phạm bản quyền xuất hiện tràn lan và bị đánh giá không có biện pháp quản lý, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân để tung tin giả, bôi nhọ, xúc phạm người khác…

Ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh, Tiktok đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Bên cạnh đó, nền tảng này đã khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Những vi phạm này khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; đồng thời khiến nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.

Nguồn: Bộ TT&TT. 
                                                                               Nguồn: Bộ TT&TT. 

Trong thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người nổi tiếng, các thần tượng mạng trên Tiktok. Nền tảng này cho phép người dùng mạng xã hội donate (tặng tiền) cho những thần tượng mạng, nhưng TikTok không khuyến khích những nội dung tốt đẹp. Điều này dẫn đến việc nhiều người sử dụng các nội dung độc hại, nhảm nhí, vô văn hóa, đánh vào phần “con” của con người để nhận được nhiều tiền hơn từ người dùng mạng.

Hơn nữa, Tiktok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là bản quyền phim, cùng với đó là các thông tin tự ý sử dụng hình ảnh, vi phạm quyền riêng tư của người dùng.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TT&TT đã phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm. Tuy nhiên, các nền tảng mạng xã hội sử dụng thuật toán như Tiktok đang “lách” để bộ công cụ không thể tự động rà quét, phát hiện vi phạm khiến công tác xử lý vi phạm trên Tiktok gặp khó khăn.

Trước thực trạng trên, Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân này không thực hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6 của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm thông tin, những phát hiện của đoàn kiểm tra đã giúp chúng ta xác nhận, nhận định ban đầu những vi phạm pháp luật Việt Nam của nền tảng Tiktok là có cơ sở. Rất nhiều vi phạm. Song song với kiểm tra phát hiện vi phạm của Tiktok, Bộ TT&TT có những động thái trao đổi với các cộng đồng những người sáng tạo nội dung số – những người có ảnh hưởng lớn trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có Tiktok.

Nguồn: Bộ TT&TT. 
                                                                 Nguồn: Bộ TT&TT. 

Bên cạnh các hoạt động kiểm tra, Bộ TT&TT cho rằng cũng cần kêu gọi, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật đến những người đang sáng tạo nội dung lành mạnh trên các nền tảng xã hội trong và ngoài nước. Họ có quyền được biết, nắm bắt hiểu biết pháp luật để tuân thủ, làm cho đúng.

“Thông qua hoạt động sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, những người có ảnh hưởng sẽ có đóng góp tích cực, tạo nên không gian mạng xã hội lành mạnh, tuân thủ pháp luật, góp phần lên tiếng đấu tranh đối với mạng xã hội, để các nền tảng xuyên biên giới thấy rằng, làm sạch, làm đúng mới là xu hướng lâu dài, giúp họ tồn tại và phát triển cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, nếu không sẽ bị xử lý”, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia công nghệ cho rằng, việc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Tiktok không đặt máy chủ tại Việt Nam sẽ là rào cản để các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm soát triệt để các nền tảng này. Đồng thời để làm lành mạnh hóa môi trường hoạt động của Tiktok tại Việt Nam, cần có quy định pháp luật, quản lý nhà nước đủ mạnh thì mới có thể đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng, lợi ích cho doanh nghiệp và quốc gia.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.460 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc, gỡ 54 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn. Google đã gỡ 5.390 video vi phạm trên YouTube, chặn hai kênh YouTube phản động. Tiktok đã chặn, gỡ bỏ hơn 400 đường link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó có 145 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
Trong Báo cáo thực thi tiêu chuẩn cộng đồng quý 4-2022 do Tiktok công bố, nền tảng này cam kết ưu tiên gỡ bỏ nhanh nhất các nội dung có tính nghiêm trọng cao như lạm dụng tình dục trẻ em và chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Tiktok cam kết giảm thiểu tổng lượt xem các nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, đồng thời, đảm bảo tính chính xác, thống nhất và công bằng cho các nhà sáng tạo nội dung.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT vẫn tiếp tục làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam. Đồng thời, làm việc với Facebook về các vi phạm và việc hợp tác, triển khai đào tạo của Facebook tại Việt Nam để cùng đưa ra các giải pháp mới quản lý các nội dung trên môi trường Facebook hiệu quả hơn; tiếp tục yêu cầu Facebook gỡ bỏ các tài khoản cá nhân, Fanpage vi phạm. Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc với Google về việc các quảng cáo vi phạm trên YouTube và gỡ bỏ các kênh YouTube xấu, độc tại Việt Nam 

Nguồn Báo Hương Sen Việt

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
593021

Online 41

Hôm nay 690

Hôm qua 0