Năm 2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; gắn với thực hiện hiệu quả Chủ đề công tác năm 2023 “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất”, triển khai toàn diện 6 nội dung cải cách hành chính (CCHC) với những kết quảrất đáng ghi nhận.
Cải cách thể chế: Năm 2023, HĐND, UBND tỉnh ban hành 16 nghị quyết và 70 quyết định là các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đều được thẩm định, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Tỉnh đã tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hoà giải cơ sở; các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tổ chức rà soát 41 văn bản; sau rà soát, kiến nghị xử lý và xử lý xong 32 văn bản.
Cải cách thủ tục hành chính
Ban hành 05 quyết định, công bố 20 thủ tục hành chính (TTHC) nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hoá và Thể thao, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tài chính; đồng thời tiến hành rà soát, giữ nguyên 25 TTHC nội bộ đã được công bố, không ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ TTHC thuộc thẩm quyền.
Trong năm, Ninh Bình đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, tại địa chỉ: https://dichvucong.ninhbinh.gov.vn/ đáp ứng chuẩn giao thức dải địa chỉ IPv6 kết nối với 19 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của các Bộ, ngành Trung ương; hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức kho dữ liệu của tổ chức, cá nhận trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, kết nối với kho dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ việc số hóa, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp và thực hiện kết nối toàn diện với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (ảnh: Thu Hằng)
Năm 2023, tỉnh đã ban hành 64 Quyết định công bố danh mục TTHC với tổng số 1.225 TTHC, trong đó: 594 TTHC được sửa đổi, bổ sung và 631 TTHC bị huỷ bỏ. Tổng số TTHC đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.859 TTHC (cấp tỉnh 1.487 TTHC; cấp huyện 253 TTHC; cấp xã 119 TTHC), trong đó 100% TTHC do Trung ương quy định. Các TTHC đã hoàn thành việc rà soát làm sạch dữ liệu về TTHC thuộc thẩm quyền đã được công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; được công khai 100% trên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Tỉnh đã công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, danh mục dịch vụ công trực tuyến một phần, danh mục dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết của tỉnh trong đó: Thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã 1.862 dịch vụ (DVC trực tuyến toàn trình: 1.151 dịch vụ; DVC trực tuyến một phần: 445 dịch vụ; dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến: 266 dịch vụ); Thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn là 133 dịch vụ (DVC trực tuyến toàn trình: 70 dịch vụ; DVC trực tuyến một phần: 63 dịch vụ). Kết quả giải quyết TTHC: toàn tỉnh đã tiếp nhận khoảng 500.000 hồ sơ, trong đó số hồ sơ trễ hạn chỉ chiếm 0,05%. 100% Bộ phận Một cửa các cấp đã thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định. Tiến hành công bố Danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, triển khai thanh toán trực tuyến phí và lệ phí,…
Để thực hiện cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, năm 2023, tỉnh đã ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 31 cơ quan, đơn vị; hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của 13 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; phê duyệt Đề án tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính đối với 09 đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030 được coi là nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết; tổ chức hội nghị triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành kế hoạch thực hiện và Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành báo cáo Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2025.
Thực hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời khắc phục, xử lý tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc tại cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023, Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 04/5/2023, Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 20/10/2023. Trong năm, tỉnh đã tuyển dụng 325 viên chức, sát hạch tuyển dụng vào làm công chức đối với 16 người; 15 cơ quan chuyên môn, 02 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, 02 UBND cấp huyện đã xây dựng Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp; đã cử 04 cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham dự kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hành chính lên chuyên viên cao cấp theo quy định; cử 32 viên chức tham gia kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên từ hạng III lên hạng II; đã mở 31 lớp bồi dưỡng với 1.988 lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã ban hành 07 nghị quyết và 04 quyết định liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách nhằm tăng cường chỉ đạo công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường thu ngân sách và cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết; 100% các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công.
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
Tỉnh Ninh Bình đã công bố Danh mục dữ liệu mở của tỉnh, tiếp tục triển khai Kho dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở của tỉnh và thực hiện tích hợp, công khai trên Cổng dữ liệu của tỉnh 10 lĩnh vực để khai thác sử dụng. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thành Kho dữ liệu trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; đã kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đã thực hiện chuẩn hóa các Cơ sở dữ liệu trên các hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung của tỉnh, như các hệ thống: Quản lý văn bản và điều hành, Thông tin báo cáo, Thư điện tử công vụ, Thông tin giải quyết TTHC , Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Công báo tỉnh, Văn bản quy phạm pháp luật tỉnh.
Để có được kết quả trong năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phát huy dân chủ, kiên định mục tiêu phát triển; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ trách nhiệm” trong thực thi công vụ.
Đặc biệt, trong năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 96/2023/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh, trong đó đã giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Về phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2024, tỉnh Ninh Bình đã đưa ra 7 giải pháp trọng tâm đó là:
Một là triển khai các nội dung CCHC theo kế hoạch CCHC tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030.
Hai là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị.
Ba là tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; rà soát, xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, cung cấp và chia sẻ thông tin…, quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC.
Bốn là tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị đáp ứng tiêu chí theo quy định; xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng tiến độ; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Năm là triển khai tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.
Sáu là tăng cường công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án đầu tư công; thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Bảy là tổ chức thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình năm 2024.
CTV Ngọc Phong - Thu Hằng (Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình)
Online 142
Hôm nay 770
Hôm qua 0