Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) là hoạt động quan trọng và ý nghĩa nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng tham mưu, điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực; tạo kênh thông tin tin cậy, minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến khách quan, hiệu quả, xây dựng và nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương và của các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Kết quả khảo sát DDCI làm cơ sở để nghiên cứu đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Ảnh tư liệu
Để tiếp tục thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, ngày 17/4/2023, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu công tác triển khai việc đánh giá phải đảm bảo nghiêm túc, khách quan. Kết quả đánh giá phải được tổng hợp, phân tích mang tính khoa học và đánh giá một cách đầy đủ, công khai, minh bạch có trách nhiệm, đảm bảo quy định; Số lượng mẫu khảo sát phải đảm bảo đủ độ tin cậy, khoa học. Thông tin khảo sát từ doanh nghiệp phải tuyệt đối được giữ bí mật để bảo đảm cho doanh nghiệp trả lời chính xác, khách quan với thực tiễn. Phương pháp tính điểm các chỉ tiêu đảm bảo tính tương đồng, so sánh giữa các đơn vị qua các năm; Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực những vấn đề đang được doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện TTHC; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính tại các sở, ban, ngành và địa phương; việc tuyển chọn nhà thầu phải khách quan, độc lập; nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện khảo sát, phân tích, đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả DDCI Ninh Bình năm 2023.
Theo Kế hoạch, năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh của 23 đơn vị cấp sở; 8 đơn vị cấp huyện. UBND tỉnh dự kiến, khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của khoảng 3.100 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2022 đến ngày 30/6/2023
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật hiện hành; thực hiện ký kết Hợp đồng với nhà thầu để triển khai thực hiện DDCI Ninh Bình 2023 hiệu quả; Chủ trì, phối hợp và hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổng hợp toàn bộ dữ liệu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã thực hiện thủ tục hành chính hoặc dịch vụ công trong thời gian từ ngày 01/7/2022 đến ngày 30/6/2023, bàn giao cho nhà thầu; chủ trì, phối hợp với Tổ công tác DDCI tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương tỉnh Ninh Bình năm 2023; Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh xây dựng ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá và công bố kết quả DDCI Ninh Bình 2023; thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện triển khai đánh giá DDCI Ninh Bình 2023 về UBND tỉnh.
Xem chi tiết Kế hoạch số 67/KH-UBND tại đây.
Theo ninhbinh.gov.vn
Online 175
Hôm nay 4895
Hôm qua 0