Xác định vai trò của người đứng đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là hết sức quan trọng, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh không chỉ quan tâm, tích cực rà soát, đổi mới phương thức, cách làm, mà còn chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) thuộc lĩnh vực được giao.
Cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Kim Sơn ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Có mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Định Hóa (huyện Kim Sơn) để giải quyết TTHC, ông Trần Văn Tiên, xóm 1, xã Định Hóa cho biết: Tôi đến làm TTHC về lĩnh vực tư pháp-hộ tịch, được công chức hướng dẫn thực hiện TTHC trên Cổng dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện. Tôi thấy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử vừa rút ngắn thời gian thực hiện, thuận tiện cho người dân, giảm chi phí đi lại. Để tạo bước đột phá mới về số hóa hồ sơ, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương gương mẫu trong thực hiện giải quyết công việc trên môi trường điện tử, áp dụng chữ ký số; quyết liệt chỉ đạo bộ phận chuyên môn, công chức, viên chức thực hiện đồng bộ các nội dung CCHC.
Đồng chí Phạm Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hóa cho biết: Xã Định Hóa có 2.230 hộ với trên 7.200 khẩu. Để phục vụ tốt công tác chuyên môn, định kỳ hàng tuần, lãnh đạo UBND xã tổ chức giao ban về công tác CCHC để đánh giá kết quả thực hiện, trong đó lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của cán bộ, công chức là một chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.
Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC nhanh, hiệu quả, lãnh đạo xã đã quan tâm rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; chỉ đạo cán bộ, công chức tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; quan tâm đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; chỉ đạo 12 Tổ công nghệ số cộng đồng/12 xóm tích cực tuyên truyền Nhân dân cài đặt App Công dân số-My Ninh Bình, đặc biệt tuyên truyền về tiện ích của App trong thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử, kết nối người dân-chính quyền địa phương nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian, chi phí cho người dân.
Đồng chí Đỗ Quốc Quân, Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch, UBND huyện Kim Sơn cho biết: Để thực hiện tốt Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Ninh Bình, hàng năm, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn để thực hiện.
Huyện đã tập trung đẩy mạnh khai thác, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, giải quyết TTHC với nhà đầu tư, doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa các chi phí phát sinh về thời gian, tài chính của nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC tại cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, huyện Kim Sơn quan tâm đến chỉ số thành phần "Vai trò của người đứng đầu", "Tính năng động và tiên phong", yêu cầu lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động giải quyết theo thẩm quyền; không đùn đẩy trách nhiệm.
Phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong thực thi các chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, hiệu quả. Tổ chức đối thoại hàng tháng với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và phối hợp giải quyết ngay tại cơ sở…
Kết quả, năm 2021, 2022, huyện Kim Sơn xếp thứ 2/8 huyện, thành phố; năm 2023, xếp thứ Nhất về kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh DDCI các huyện, thành phố. Những năm qua, bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch công tác CCHC của cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động, linh hoạt vận dụng, có những cách làm mới, giải pháp mang tính đột phá để cải thiện các tiêu chí liên quan đến chỉ số CCHC, đảm bảo giải quyết TTHC đơn giản, nhanh gọn cho tổ chức, cá nhân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt đối với công tác cải cách TTHC. Đặc biệt, việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và quy định của pháp luật; các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và các chương trình khởi nghiệp.
UBND các huyện, thành phố đã quan tâm kiện toàn bộ máy hoạt động của Bộ phận Một cửa theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Bộ phận Một cửa của huyện, thành phố. Hiện tổng số TTHC đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.859 TTHC (cấp tỉnh 1.487 TTHC; cấp huyện 253 TTHC; cấp xã 119 TTHC), trong đó 100% TTHC do Trung ương quy định. Các TTHC được công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình.
UBND tỉnh đã công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, danh mục dịch vụ công trực tuyến một phần, danh mục dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Ninh Bình, trong đó thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã là 1.862 dịch vụ; thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn là 133 dịch vụ. Số TTHC đang thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 1.360 thủ tục.
Năm 2023, các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 492.358 hồ sơ; trong đó đã giải quyết 486.046 hồ sơ (đúng hạn và trước hạn là 485.830 hồ sơ, chiếm 99,95%; trễ hạn 216 hồ sơ, chiếm 0,05%); số hồ sơ trong hạn đang giải quyết là 6.312 hồ sơ.
Theo baoninhbinh.org.vn
Online 145
Hôm nay 14261
Hôm qua 0