Với mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn, thời gian qua, Ninh Bình đã quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuẩn về công nghệ thông tin, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử.
Kiểm soát các dịch vụ công nghệ thông tin tại VNPT Ninh Bình.
Để xây dựng thành công chính quyền điện tử, yếu tố quan trọng đầu tiên đó là hạ tầng kỹ thuật CNTT phải được đầu tư một cách đồng bộ và đi trước một bước. Do vậy, trong nhiều năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố quan tâm đầu tư kinh phí để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử gắn với Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh.
Tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, nâng cấp và mở rộng dung lượng các tuyến truyền dẫn cáp quang nội tỉnh, tạo thành vòng khép kín đảm bảo thông tin liên lạc; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ Internet cáp quang băng rộng đến từng nhà dân; tăng cường phát triển mạng viễn thông di động mặt đất 3G, 4G, đảm bảo phủ sóng trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet di động phục vụ cho phát triển Chính quyền điện tử và chuyển đổi số.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT tại cơ quan, đơn vị mình, gồm các hạng mục như hạ tầng thiết bị, hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu...
Đến nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư khá đầy đủ. Các trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại. 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng LAN để kết nối các máy tính trong nội bộ cơ quan, đơn vị phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các hệ thống thông tin của tỉnh qua đường truyền Internet cáp quang băng thông rộng.
Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có máy tính sử dụng tại cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, tại cấp xã đạt khoảng 85%; toàn tỉnh có 64 máy chủ (tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh là 27 máy). Hiện mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai đồng bộ cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh theo mô hình mạng WAN nội tỉnh và sẽ kết nối với mạng cấp I quốc gia vào cuối tháng 9 năm 2020.
Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng tích cực triển khai hệ thống phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử. Hiện toàn tỉnh hiện có khoảng 126 phần mềm các loại, trong đó có 43 phần mềm do cấp bộ, ngành triển khai và chuyển giao sử dụng tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ các phần mềm này đã cơ bản hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phục vụ cho việc khai thác chia sẻ. Một số đơn vị đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu lưu trữ để tạo lập cơ sở dữ liệu nhằm bảo quản, quản lý, khai thác sử dụng.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT được thực hiện nghiêm túc. Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cập nhật, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT. Nội dung đào tạo sát với thực tế, tập trung vào những công việc hàng ngày và những lỗi, sự cố thường gặp.
Nhờ đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị từng bước nâng cao, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT - TT của từng cơ quan, địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức đào tạo tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho các cán bộ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 124 công chức, viên chức chuyên trách về CNTT tại các cơ quan đơn vị và 100% đạt chuẩn kiến thức về CNTT, trong đó 57 người có trình độ thạc sỹ, 59 người có trình độ đại học, còn lại là cao đẳng. Toàn tỉnh có trên 3.000 cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ ứng dụng CNTT theo chuẩn kỹ năng cơ bản hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng.
Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến nay, việc ứng dụng, phát triển CNTT tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh có bước đột phá, nhiều đơn vị chủ động đề xuất đầu tư hoàn thiện hạ tầng và triển khai các ứng dụng khá đồng bộ, có hiệu quả.
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức về CNTT đã thúc đẩy tiến trình ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần năng lực chỉ đạo, điều. Năm 2019, tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT đứng thứ 15 trong tổng số 63 tỉnh thành của cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2018. Đây là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp 4.0.
Bài, ảnh: Mai Lan http://baoninhbinh.org.vn/
Online 363
Hôm nay 3588
Hôm qua 0