Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Chuyển đổi số-Giải pháp đột phá để phát triển

Chủ nhật, 07/01/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo sự chuyển biến rõ nét trên các mặt, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông, thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh với vai trò là lãnh đạo cơ quan chuyên môn, Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Chuyển đổi số-Giải pháp đột phá để phát triển

Hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh góp phần từng bước xây dựng Chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Lam

Phóng viên (PV): Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả như thế nào, thưa đồng chí? 

Đồng chí Tạ Quang Phương: Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, được triển khai đồng bộ, đổi mới nội dung, hình thức, tần suất tuyên truyền; đa dạng hóa phương thức truyền thông, từ hệ thống truyền thanh cơ sở đến Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội. 

Đặc biệt hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chuyên môn, chuyển đổi số. Hiện 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng LAN, kết nối Internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; 100% cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh (196 đơn vị) đã sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD); hoàn thành việc chuẩn hóa kết nối mạng TSLCD cấp 2 cho 143 xã, phường, thị trấn và 8 huyện, thành phố. 

Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, đang được tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 nhằm đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu; duy trì, vận hành, khai thác ổn định, an toàn, hiệu quả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông đã được các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng phục vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet băng thông rộng và dịch vụ truyền hình qua mạng viễn thông. 

Cùng với đó, tháng 10/2023 UBND tỉnh đã khai trương Cổng dữ liệu và Hệ sinh thái dữ liệu mở tỉnh Ninh Bình, công khai dữ liệu 11 lĩnh vực gồm: Tư pháp, Thanh tra, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Danh mục dùng chung. Hoàn thành việc triển khai xây dựng Kho dữ liệu trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh để phục vụ người dân và doanh nghiệp. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực số được quan tâm chú trọng. Ninh Bình là một trong các địa phương sớm triển khai thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp và hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia; đảm bảo an toàn thông tin phục vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Có thể nói, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01 đã từng bước đi vào cuộc sống, các nền tảng quan trọng từng bước được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh và phát triển đồng đều trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. 

Về xây dựng, phát triển Chính quyền số: Đến nay, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành việc triển khai, đưa vào khai thác, sử dụng; tổ chức quản lý, vận hành đảm bảo ổn định, an toàn, hiệu quả các nền tảng, ứng dụng số dùng chung quy mô cấp tỉnh phục vụ xây dựng, phát triển Chính quyền số, như: Trung tâm điều hành thông minh IOC, Cổng Thông tin điện tử tỉnh; Hệ thống thông tin Quản lý văn bản và Điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; Hệ thống hội nghị trực tuyến; Hệ thống thư công vụ điện tử; Hệ thống họp không giấy tờ, Hệ thống xác thực tập trung (SSO)… 

Trong đó, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đáp ứng chuẩn giao thức dải địa chỉ IPv6, an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3, được triển khai và duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả cho 172 cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cấp xã trên địa bàn tỉnh; Hệ thống đã cập nhật đầy đủ danh mục, công khai quy trình giải quyết TTHC của tỉnh, thực hiện đồng bộ, kết nối và đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện kết nối với 19 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của các bộ, ngành; kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số. Năm 2023, trên hệ thống đã tiếp nhận 485.762 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến là 339.252 hồ sơ, đạt 69,83%; số lượng hồ sơ TTHC đã khai thác dữ liệu dân cư phục vụ định danh và xác thực điện tử là 253.351 hồ sơ. 

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai ứng dụng cho 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tổng số tài khoản người dùng là 11.127 trong đó tỷ lệ tài khoản sử dụng thường xuyên đạt trên 85%. Hiện nay, trên hệ thống ghi nhận có trên 11.098.859 lượt văn bản luân chuyển (văn bản đến trên 9.580.011 lượt; văn bản đi trên 1.518.848 lượt). 

Kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Việc phát triển kinh tế số và xã hội số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 193 doanh nghiệp công nghệ số. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 100%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt khoảng 30%. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 8,4%. Số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số là 134.653 hộ, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử/hộ gia đình đạt 37%. Số tài khoản được mở trên các sàn thương mại điện tử là 110.162 tài khoản với 1.840 sản phẩm đưa lên sàn và 24.699 lượt giao dịch, đạt giá trị trên 5,2 tỷ đồng. 

Đến hết ngày 15/12/2023, toàn tỉnh đã kích hoạt được 529.510 tài khoản định danh điện tử, vượt gần 18% chỉ tiêu Bộ Công an giao. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đến hết tháng 12/2023 ước đạt 765.472. Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe đạt gần 90%. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 40%. Tỷ lệ đóng học phí, viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 50%. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang đạt 70,8%; tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,1%. Người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử... 

PV: Xin đồng chí cho biết một số khó khăn, hạn chế trong công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh? 

Đồng chí Tạ Quang Phương: Chuyển đổi số là quá trình đa dạng với nhiều nội dung mới, khó, chưa có con đường và hình mẫu chung cho tất cả. Thời gian qua, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, một số chương trình, chiến lược, đề án, văn bản pháp luật về chuyển đổi số của Trung ương ban hành sau khi UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số hàng năm. Vì vậy, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt phải thực hiện điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện cho phù hợp.

Bên cạnh đó, công tác tham mưu, phối hợp triển khai một số nhiệm vụ chuyển đổi số có nội dung mới và khó còn chậm tiến độ, kết quả còn hạn chế do thiếu căn cứ pháp lý và hướng dẫn trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số chậm đổi mới về nội dung, phương thức, hiệu quả đạt được còn hạn chế. Việc đào tạo, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng số vẫn chủ yếu thực hiện bằng hình thức trực tiếp dẫn đến mất nhiều thời gian, chi phí và nhân công hiệu quả đạt được chưa cao. 

Một số cơ quan, đơn vị được giao chủ trì triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số chưa thực sự chủ động trong quá trình tổ chức thực hiện, còn phụ thuộc vào hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và của đơn vị tư vấn; chưa xác định rõ, đề xuất được các nhiệm vụ chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan đơn vị. Hạ tầng, trang thiết bị CNTT phục vụ chuyển đổi số ở một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ở nhiều đơn vị cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu. 

Việc đầu tư hạ tầng CNTT nền tảng, triển khai các giải pháp tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin phục vụ phát triển Chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận cán bộ công chức, viên chức vẫn còn tâm lý ngại thay đổi thói quen, ngại làm việc trên môi trường số, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để tham mưu, triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính quyền số, chuyển đổi số. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn bị động và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin… 

PV: Xin đồng chí cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 01, thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho tỉnh những giải pháp trọng tâm gì? 

Đồng chí Tạ Quang Phương: Tỉnh Ninh Bình luôn xác định, xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính... 

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 01, thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số sẽ tham mưu cho tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. 

Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu mở thuộc phạm vi quản lý; đẩy mạnh khai thác, ứng dụng các Hệ thống thông tin dùng chung quy mô cấp tỉnh và các ứng dụng chuyên ngành để tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện phương thức, cách thức trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hoạt động của cơ quan, đơn vị lên môi trường số. 

Xác định, chuyển đổi số phải được triển khai thực hiện đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong quá trình chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò và sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp, chú trọng hình thành cộng đồng số, công dân số, văn hóa số. Vì vậy, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, nền tảng số tới cán bộ, công chức, viên chức và người dân để hình thành các công chức số, công dân số. 

Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng, kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị, địa phương. 

PV: Xin cảm ơn đồng chí! 

Theo baoninhbinh.org.vn

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
599042

Online 20

Hôm nay 506

Hôm qua 0