Anh Phạm Văn Hướng (sinh năm 1983), xóm Đông, xã Khánh Hòa là người tiên phong đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương, giúp gia đình và các hộ dân trong vùng tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao của xã.
Chia sẻ về quá trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, anh Hướng cho biết: Năm 2013, sau nhiều năm làm công nhân lắp đặt điện nước ở tỉnh Hà Giang, do điều kiện lao động, thu nhập không ổn định nên tôi quyết định trở về quê hương để lập nghiệp. Về quê, nhận thấy đất đai tại địa phương rất màu mỡ, người nông dân mặc dù bỏ nhiều công sức, song thành quả thu về lại chưa tương xứng. Với suy nghĩ ấy, cùng kiến thức sẵn có về cơ khí chế tạo, anh Hướng đã nỗ lực nghiên cứu tìm hướng phát triển và rồi quyết tâm khởi nghiệp với nghề nông. Khi bắt tay vào thực hiện, anh Hướng gặp không ít khó khăn do trang thiết bị máy móc phụ trợ nghề nông còn thiếu, trong khi kinh nghiệm và nguồn vốn đầu tư còn ở mức khiêm tốn. Với mong muốn làm giàu, anh Hướng đã kiên trì tìm ra phương thức giải quyết những khó khăn. Để có điều kiện phục vụ cho việc chuyên canh trồng lúa và đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng, ngoài phần diện tích của gia đình, anh thuê, mượn thêm đất ruộng. Khi diện tích đất tích tụ lên tới cả chục ha, nhận thấy sức người lúc này không kham nổi, anh Hướng quyết định đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vừa để phục vụ sản xuất cho gia đình vừa làm dịch vụ. Ban đầu anh mạnh dạn đầu tư 1 máy làm đất, 1 máy gặt, vừa làm vừa tích lũy vốn. Sau một thời gian, nhận thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng cao, cùng với diện tích ruộng tích tụ được của gia đình ngày càng lớn, anh Hướng quyết định đầu tư thêm các loại máy móc, thiết bị hiện đại khác.
Anh Phạm Văn Hướng (người đứng ngoài cùng bên trái) cùng nhân công lao động điều khiển máy bay
không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho diện tích lúa của bà con xã Khánh Hòa.
Bằng vốn tự có, cùng nguồn vốn được cho vay ưu đãi theo các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng của Trung ương và của tỉnh, hiện gia đình anh Hướng đã mua được tổng 16 loại máy móc, phục vụ khép kín quy trình canh tác lúa cho bà con nông dân ở nhiều tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình…; với tổng kinh phí đầu tư trên 5 tỷ đồng (trong đó, vốn vay là gần 1 tỷ đồng); gồm 5 máy gặt, 2 máy cấy, 3 máy làm đất, 2 máy cuộn rơm, 2 máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái, tích hợp nhiều chức năng như phun thuốc, bón phân, gieo hạt...
Anh Hướng cho biết: Thực tế cho thấy, khi áp dụng cơ giới hóa vào canh tác lúa đã tạo sự đồng đều trong quá trình chăm sóc nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tránh được rủi ro do thời tiết, dịch bệnh, giảm chi phí nhân công, sức lao động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm thất thoát sau thu hoạch, thu nhập được nâng lên đáng kể… Gia đình anh Hướng hiện canh tác 160 mẫu ruộng nhưng trung bình mỗi công đoạn (làm đất, cấy, gặt) chỉ mất khoảng 5-7 ngày là hoàn tất, chi phí sản xuất cũng chỉ bằng một nửa so với sản xuất thông thường. Từ diện tích trồng lúa của gia đình, mỗi năm anh thu hoạch được 270-300 tấn lúa; cùng với các nguồn thu từ dịch vụ cấy, cày, phun thuốc và cung ứng vật tư, tổng lợi nhuận trung bình của gia đình anh đạt từ 500-700 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm ổn định cho 5-6 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 8-12 triệu đồng/người/tháng và khoảng 20-25 lao động thời vụ.
Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết: Việc tiên phong đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, cung ứng đa dạng các dịch vụ nông nghiệp như anh Hướng là rất phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay. Cách làm của anh Hướng đã lan toả tới nhiều nông dân trong xã, giúp từng bước thay đổi cách thức tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đến thời điểm này, gần 100% diện tích đất trồng lúa trên địa bàn xã được gieo cấy bằng máy, phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị máy bay không người lái… Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng NTM của xã. Năm 2023, xã Khánh Hòa đã được công nhận hoàn thành xây dựng NTM nâng cao. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, vận động các hộ dân tích tụ ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị canh tác, hướng đến mục tiêu xây dựng Khánh Hòa trở thành xã NTM kiểu mẫu.
Bài, ảnh: Kiều Ân
Online 17
Hôm nay 598
Hôm qua 0