Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa để phát triển nhanh, bền vững

Thứ sáu, 09/08/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Trong những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Yên Khánh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho văn hóa phát triển nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của địa phương, văn hóa vừa là nền tảng tinh thần vững chắc, vừa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng giúp huyện phát triển nhanh, bền vững.

Phát huy

                              CLB trống nhảy xã Khánh Thiện biểu diễn tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024. Ảnh: Minh Quang

Quan tâm phát triển văn hóa 

Phát triển văn hóa là vấn đề được cấp ủy, chính quyền huyện Yên Khánh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện với các nghị quyết, kế hoạch theo từng giai đoạn, từng lĩnh vực. Điển hình như năm 2012, Huyện ủy Yên Khánh đã ban hành Nghị quyết số 08 về "Phát triển mạnh mẽ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn đến năm 2015". 

Bên cạnh đó, huyện tích cực thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hóa, đặc biệt là Nghị quyết số 33, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Qua đó, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy. 

Các hoạt động văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi ở khắp các thôn, xóm, phố, chất lượng được nâng lên, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Công tác quản lý hoạt động ở các di tích được chú trọng và đạt kết quả tốt. Các hoạt động lễ hội trên địa bàn huyện được thực hiện đúng quy định. Các công trình phúc lợi công cộng, di tích lịch sử văn hóa được giữ gìn, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả. 

Đến nay, toàn huyện có 220 di sản, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh, gắn liền với các di tích lịch sử là các lễ hội truyền thống, chứa đựng những giá trị văn hóa quý báu từ đời xưa để lại. 

Các di tích lịch sử từng bước được trùng tu, bảo tồn, tôn tạo để phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa. Công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình văn hóa được triển khai hiệu quả gắn với xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực. 

Năm 2020, Thủ tưởng Chính phủ tặng Bằng khen cho cán bộ và nhân dân huyện Yên Khánh vì có thành tích trong tổ chức thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2020. Đến hết năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93%; có 259/268 đơn vị thôn, xóm, phố, đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa, đạt 96,6%; có 84% cơ quan, đơn vị văn hóa. 

Sôi nổi các hoạt động văn hóa ở cơ sở 

Kết quả rõ nét nhất từ sự phát triển văn hóa ở huyện Yên Khánh là giúp đời sống nhân dân ngày càng phong phú, các hoạt động văn nghệ quần chúng, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp các thôn, xóm, phố. Huyện Yên Khánh quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí xây dựng và nhân rộng mô hình câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật dân gian; đưa nghệ thuật hát Chèo, hát Xẩm trở thành một nội dung trong môn âm nhạc tại các trường học... 

Qua đó giúp các giá trị nghệ thuật truyền thống dần thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành một bộ phận quan trọng trong nghệ thuật quần chúng của người dân. Xã Khánh Hồng, có 4 CLB hát Chèo là CLB Chèo thôn Bình Hòa, thôn Đức Hậu, thôn Thổ Mật và thôn Duyên Phúc. Các CLB thu hút ngày càng đông thành viên tham gia, với nhiều hoạt động sôi nổi. 

Ông Chu Văn Yên, Phó Chủ nhiệm CLB Chèo thôn Duyên Phúc (xã Khánh Hồng) cho biết: Khi mới thành lập năm 2016, CLB chỉ có 20 thành viên; đến nay, CLB có hơn 30 thành viên thường xuyên tham gia luyện tập, biểu diễn. Mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt một lần, tích cực tập luyện và nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm mới. Ngoài biểu diễn trong các chương trình, sự kiện của thôn, của xã, CLB còn tích cực tham gia các hoạt động ở các địa phương lân cận. Các tiết mục của CLB luôn nhận được sự theo dõi, cổ vũ của khán giả. Qua đó tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các thành viên và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương.

Không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao còn góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó xóm làng, giúp ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. 

Đến nay, toàn huyện có 276 CLB văn nghệ, trong đó có 70 CLB Chèo, 2 CLB múa Trống, 4 CLB hát Xẩm, 1 CLB múa Kiếm, 1 CLB kèn đồng, 1 CLB nhạc cụ dân tộc. Toàn huyện có trên 52% dân số tham gia luyện tập thể thao thường xuyên; hơn 60% gia đình đạt Gia đình thể thao, 19/19 xã, thị trấn phát triển phong trào đi bộ; 268 CLB dân vũ; 536 CLB bóng chuyền hơi hoạt động thường xuyên. 

Hướng đến nền công nghiệp văn hóa 

Định hướng phát triển văn hóa trong thời gian tới của huyện Yên Khánh là tiếp tục đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh đất và người Yên Khánh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương... hướng đến mục tiêu dài hạn là phát triển nền công nghiệp văn hóa. 

Đồng chí Bùi Quang Bưởng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Công tác phát triển công nghiệp văn hóa bước đầu đã được huyện đầu tư, nhất là việc đầu tư cho phát triển những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ. Điển hình như hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng đặc sản, ẩm thực vùng miền của Yên Khánh như: Mây tre đan (Doanh nghiệp Thành Hóa); bánh đa, bánh đúc (xã Khánh Thiện); ngó khoai (xã Khánh Hòa); nấm, dưa (xã Khánh Cư)... Nhiều các sản phẩm đã được xếp hạng OCOP và được quảng bá trên các sàn thương mại điện tử. Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh về một số điểm du lịch trên địa bàn huyện như: Du lịch tâm linh đền chùa thôn Năm (xã Khánh Tiên); ẩm thực (xã Khánh Thiện), nông sản (xã Khánh Thành)… 

Đồng thời định hướng xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương như hát Chèo, Xẩm hoặc múa Trống... để bổ trợ cho ngành Du lịch. Hiện nay, huyện đang tích cực phối hợp với các cấp, các ngành hoàn thiện hồ sơ, đệ trình UNESCO công nhận nghệ thuật hát Chèo trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao bổ ích, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tăng cường nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. 

Tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch; bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn...

Theo Baoninhbinh.org.vn

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
872313

Online 14

Hôm nay 199

Hôm qua 0