Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Tản văn " Một Miền Quê"

Thứ ba, 16/04/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Buổi chiều, gió nồm nam thổi phồng phộng, mát rượi, dòng sông nước phù sa đỏ au, ào ào chảy qua kênh mương cứng toả khắp cánh đồng. Những luống rau bí, rau bầu, đậu tương, luống ngô dang rộng những chiếc lá nhỏ xíu đón dòng nước mát dịu. Mấy chú ngoé nhảy vọt lên bờ, ngơ ngác. Mấy chị cào cào bay dáo dác. Một vài cánh cò trắng bay dập dờn, đàn trâu nối đuôi nhau gặm cỏ.

Tôi nhẹ bước đôi bàn chân tản bộ dọc triền đê sông Đáy, ngắm cảnh hai bên bờ, mê say nhìn làng quê Yên Khánh trong màu nắng hoàng hôn, giữa đời thường mà như ở cõi mơ.

Con đê thân thiết với tuổi thơ tôi xưa thấp lè bè. Hai bên triền đê, khi ấy miên man là hoa cỏ may. Những chiếc hoa cỏ may mọc kín lối đi găm đầy gấu quần, cứa vào đôi bàn chân nghe ran rát. Mặt đê khấp khểnh, gồ ghề, đôi bàn chân nhỏ bé lẩy bẩy của tôi đi toàn vấp, ngã run rẩy. Ngày mưa thì đường trơn loáng, nhầy nhụa, khấp khểnh những nốt chân trâu. Dù đã bấm chặt đến toẽ cả mấy ngón chân, dò từng bước nhỏ hay men theo vệ cỏ mà vẫn ngã oành oạch, hai bàn tay lấm lê bùn đất, đôi dép xách trên tay bay mỗi chỗ một chiếc. Mặt tôi khi ấy đỏ bừng vì những cánh tay chỉ chỏ cùng tiếng cười dòn tan “Ê …vồ ếch, vồ ếch!” của đám trẻ chăn trâu. 

Tôi thường theo cô ra đê sông Đáy ngắm những chiếc ca nô trở khách, ước vọng một ngày mình được lên và đi đâu đó xa xa. Ngày cha tôi đi công tác tận bên đất nước Bungari xa ngái cũng bắt đầu từ chuyến ca nô ấy. Ông nội tôi cõng cậu em trên lưng, tôi và anh trai bám theo áo mẹ, tiễn cha lên chiếc ca nô hẹn ngày trở về…

Mới đó mà đã gần nửa thế kỷ. Bố tôi đi chuyến ấy được mấy năm thì Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, bố trở về nước với dáng vẻ thật điển trai, lịch lãm. Hành trang là những quả táo to, ngọt hương vị thơm lừng để đãi bà con làng xóm, những chiếc bút bi đủ loại, tấm rèm chắn cửa bằng gấm dầy tịch, những đôi giầy gì mà cao lên tận đầu gối, tôi đem cắt đến cổ chân làm đôi giầy ngắn cổ để đi không sợ bạn bè cười. Cả những chiếc bàn là cho phẳng quần áo, chiếc máy thổi tóc... Khi ấy mẹ và tôi kêu vẽ quá ở mình có dùng bao giờ đâu. Giờ tôi mới hiểu ra mình lạc hậu quá. Những thứ được coi là xa lạ, hiện đại ngày đó bây giờ đã phổ thông đối với mọi người dân quê tôi.

Mẹ tôi là một cô giáo làng, người nhỏ bé tần tảo nuôi ba anh em chúng tôi ăn học. Hàng ngày, sau mỗi giờ lên lớp mẹ tôi lại hối hả ra đồng cấy, nhổ, rắc phân làm cỏ. Chúng tôi cũng theo ra đồng phụ giúp mẹ. Đến bây giờ mẹ tôi vẫn nhắc, tôi đi cấy, gặt mà đếm được bao nhiêu chiếc xe máy, xe đạp trên đê, ô tô ngày ấy còn hiếm lắm. Mà quả thật tôi vừa lội ruộng cắt lúa vừa liếc trên đường nhìn người qua lại trên đê với những ước mơ bay bổng.

Con đê ấy giờ đây cao sừng sững, rộng thênh thang, mặt đê được đổ bê tông phẳng lì, thẳng tắp. Hai bên làn đường xe cộ qua lại tấp nập, rộn ràng như đại lộ. Những rặng hoa muồng hoàng yến vàng rực, những rặng cây chuỗi ngọc xanh mướt cắt đều tăm tắp hai bên đường. Từng tốp công nhân tan tầm từ khu công nghiệp hối hả về nhà. Các cụ già thong dong đi bộ, tập thể dục. Tiếng sáo diều vi vu trong gió, những đôi mắt trẻ thơ trong veo, háo hức nhìn theo những cánh diều vút cao trên không trung.

Tôi men theo đầm sen ven đê. Hương sen thơm ngát, lá sen đan kín một màu xanh bình yên. Cánh đồng mẫu lớn rộng bát ngát như một bức tranh khổng lồ với những ô, thửa đều tăm tắp vàng ươm, bông lúa nặng trĩu như cúi đầu vẫy gọi. Hơi lúa mới thơm ngán ngát, nhè nhẹ. Tôi hít hà hương vị của quê hương, lòng chợt dâng lên một cảm xúc ấm áp lạ kì. Người dân quê tôi giờ đây vẫn chăm chỉ trên đồng ruộng nuôi dưỡng khát vọng có thật nhiều những sản phẩm OCOP cho quê hương. Những thửa ruộng nước ngọt tưới tắm nuôi những chú trai cần mẫn ngày đêm nhả ngọc. Những viên ngọc trai nhỏ, tròn, trắng tinh khôi được xuất khẩu sang tận các nước ở châu Á, châu Âu. Những đứa trẻ vui vẻ tới trường, có cả những chiếc ô tô đưa đón về tận nhà, không phải vừa cúi đầu cấy lúa vừa ước vọng thật xa xôi như tôi.

Con đường dẫn về làng tôi dài rộng, sạch bong. Hàng hoa ban bên đường nở rực, sắc hoa tím mê say lòng người. Chiếc cổng làng sừng sững, vững chãi như người lính canh. Sau cổng làng, lấp ló ngôi nhà văn hoá xóm khang trang, ngay đầu cổng lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong gió. Những mái nhà cao tầng mọc san sát xen lẫn những nhà mái ngói đỏ tươi quần tụ, đầm ấm. Những chùm hoa giấy đủ màu sắc rực rỡ như mặt trời buổi sớm. Có tiếng người gọi nhau đi chơi bóng chuyền, tập dân vũ… Người dân quê tôi thế đấy. Họ tần tảo, cần mẫn, hồn hậu, sáng tạo xây dựng nông thôn mới. Biết bao con đường rợp bóng cờ bay, bao ngôi trường đẹp như lâu đài trong câu chuyện cổ tích, những ngôi nhà văn hoá được xây lên từ niềm lạc quan phơi phới và tình yêu quê hương da diết của người dân quê tôi.

Nắng nhạt dần, gió lộng hơn. Đài truyền thanh xã nhà đang đọc tên những gia đình hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chương trình tiếp sóng đài truyền thanh huyện cất tiếng hát du dương “Anh hãy về với Yên Khánh hôm nay vui với làng quê từng ngày đổi mới. Đường rộng thênh thang cờ hoa sắc màu, hạnh phúc thanh bình tươi mới lung linh…”. Đó cũng là lúc ánh điện giăng lấp loáng khắp làng thôn ngõ xóm, những dàn nhấp nháy đủ màu sắc được bật lên./.

                                                                                                                                                                                                           Phạm Thị Minh Chính

Phó ban Tuyên Giáo Huyện uỷ Yên Khánh

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
960490

Online 379

Hôm nay 4049

Hôm qua 0