Uỷ ban nhân dân Huyện Yên Khánh
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử huyện Yên Khánh

Yên Khánh, duy trì nét đẹp văn hóa các lễ hội

Chủ nhật, 25/02/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Với mục tiêu việc tổ chức lễ hội phải đạt các tiêu chí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, thông qua đó góp phần giáo dục truyền thống, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện Yên Khánh đã có nhiểu đổi mới, đạt hiệu quả thiết thực.

Yên Khánh, duy trì nét đẹp văn hóa các lễ hội

Lễ rước kiệu-một nghi lễ truyền thống tại lễ hội làng Duyên Phúc (xã Khánh Hồng). Ảnh: CTV

Xuân mới Giáp Thìn, về Yên Khánh, với các lễ hội trải dài từ đầu xuân năm mới đến tháng 3 âm lịch, người dân và du khách được hòa mình vào không khí các lễ hội làng hấp dẫn như: Lễ hội làng Văn Giáp, lễ hội làng Yên Xuyên (xã Khánh An); lễ hội khai trống đền Triệu Việt Vương (thị trấn Yên Ninh); lễ hội truyền thống đền Mẫu Bình Hòa, đền Mẫu làng Thổ Mật, làng Đức Hậu (xã Khánh Hồng); lễ hội Kỳ Phúc làng Xuân Dương, làng Yên Cư (xã Khánh Cư)…

Trong các lễ hội tại Yên Khánh, nhân dân và du khách luôn nhắc đến các lễ hội đặc sắc tại xã Khánh Hồng với nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong xã hiện nay có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, các đình, đền, chùa miếu ở tại các làng: Thổ Mật, Duyên Phúc, Đức Hậu, Bình Hòa, thờ phụng các vị anh hùng dân tộc như: thờ tướng Phạm Tử Nghi tại đền Đông (làng Thổ Mật), thờ Đức Tam vị tại đền thờ ở làng Bình Hòa... Cùng với di sản văn hóa vật thể, trong xã còn lưu giữ được những giá trị di sản văn hóa phi vật thể mang tính truyền thống gắn với cộng đồng làng xã như phong tục tập quán, nếp sống, việc tổ chức lễ hội truyền thống…

Ông Phạm Hữu Phu, Trưởng Ban Khánh tiết đền Mẫu làng Thổ Mật cho biết: Mỗi dịp đầu xuân, vào ngày 6 và 7 tháng Giêng hàng năm, nhân dân làng Thổ Mật đều tổ chức lễ rước kiệu về đền, mở đầu cho các hoạt động của lễ hội làng được duy trì từ bao đời nay. Dù xã hội có nhiều đổi thay nhưng các hoạt động phần lễ và phần hội tại lễ hội đền Mẫu làng Thổ Mật vẫn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống, theo phong tục tập quán của địa phương. Việc tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nên nhân dân chung tay chuẩn bị chu đáo theo hình thức xã hội hóa…

Yên Khánh duy trì nét đẹp văn hóa các lễ hội

Nhiều trò chơi dân gian như: múa lân, múa rồng… được duy trì trong các lễ hội làng. Ảnh: CTV

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Khánh có 194 đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Trong đó có 56 đình, chùa, nhà thờ được công nhận di tích lịch sử văn hóa (12 di tích Quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh). Một số địa phương trong huyện tổ chức lễ hội hàng năm như: xã Khánh Hòa, Khánh An, Khánh Vân, Khánh Lợi, Khánh Hồng, Khánh Nhạc, thị trấn Yên Ninh… Các lễ hội trên địa bàn huyện Yên Khánh chủ yếu quy mô là lễ hội làng, số ít là lễ hội cấp xã. Từ lâu, các lễ hội đầu xuân đã trở thành địa điểm giao lưu văn hóa với nhiều giá trị văn hóa truyền thống được lưu truyền nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nhiều năm nay, các lễ hội truyền thống được duy trì ở nhiều thôn, xóm là dịp để nhân dân địa phương gửi gắm niềm tự hào về truyền thống cha ông, tưởng nhớ công lao các vị thành hoàng làng, các vị tướng có công với quê hương, đất nước đã che chở, phù trợ cho nhân dân sinh cơ lập nghiệp. Đây cũng là dịp để mọi người cùng nêu cao tinh thần gắn kết cộng đồng, tích cực vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Đồng chí Bùi Quang Bưởng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Khánh cho biết: Công tác quản lý lễ hội năm 2024 đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý và tổ chức lễ hội. Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin triển khai thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động lễ hội theo thẩm quyền. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình, kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ, kịp thời tham mưu UBND huyện các biện pháp chỉ đạo về quản lý và tổ chức lễ hội.

Trên cơ sở đăng ký của các địa phương về việc tổ chức lễ hội, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức thực hiện "Bộ Tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" theo Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phối hợp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn triển khai các hoạt động tuyên truyền về lễ hội, di tích và thực hiện quy định của pháp luật về quản lý và tổ chức lễ hội; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Quan tâm tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc giá trị văn hóa, lịch sử của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh... 

Để các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm, huyện Yên Khánh đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan;, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tổ chức thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh tại các khu vực tổ chức lễ hội. 

Qua công tác thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng cho thấy các lễ hội được tổ chức đảm bảo đúng các quy định, không để xảy ra tình trạng mê tín dị đoan, lợi dụng tâm linh, tôn giáo để trục lợi, gây mất an ninh trật tự; người tham gia các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại lễ hội chấp hành tốt việc đảm bảo an toàn thực phẩm, không chèo kéo, giành khách, hét giá… Người dân tham gia lễ hội có tâm thế là chủ thể của ngày hội văn hóa, trang phục phù hợp, thái độ đúng mực… Việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho các di tích; việc tổ chức lễ hội được thực hiện đúng quy định... 

Không chỉ thu hút đông đảo người dân địa phương, các lễ hội còn là địa điểm hấp dẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc, giá trị tiêu biểu của các lễ hội, thông qua các trò chơi dân gian như: múa lân, múa rồng, tổ tôm điếm, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, kéo co, vật... Với nhiều lễ hội được tổ chức dịp đầu xuân, huyện Yên Khánh hướng tới mục tiêu phát triển du lịch tâm linh trong thời gian tới.

Là địa phương diễn ra nhiều lễ hội trong năm, nhất là dịp đầu Xuân, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện đã chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Không đi lễ chùa, lễ hội trong giờ hành chính nếu không được phân công, không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Liên kết Website
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
595589

Online 42

Hôm nay 951

Hôm qua 0